Các nhà khoa học phát triển robot “tinh trùng” để điều trị bệnh
(Dân trí) - Nghe có vẻ khó tin nhưng thực tế, các nhà khoa học tại Anh quốc đang phát triển loại robot lấy cảm hứng từ tinh trùng của loài người, mở ra một phương án mới trong việc chữa trị bệnh cho các bệnh nhân trong tương lai.
Theo tiết lộ của các nhà khoa học Anh quốc, loại robot đặc biệt này sẽ có thiết kế với phần đầu rất nhỏ và phần đuôi đàn hồi linh hoạt như tinh trùng thật. Để hoạt động được, các nhà khoa học sẽ thiết kế các robot có thể di chuyển một cách chính xác trong các mạch máu nhờ các dòng điện từ định hướng.
Trong kết quả nghiên cứu được công bổ, đội ngũ các nhà khoa học đã thiết kế các loại robot thử nghiệm có phần đuôi dài từ 1 – 12mm. Môi trường được tạo ra có độ nhớt khác nhau và kết hợp với các dòng điện từ điều hướng có cường độ khác nhau. Cũng giống như cách thức di chuyển của tinh trùng, những robot siêu nhỏ này sẽ di chuyển với cái đuôi ngoe nguẩy phía sau để dịch chuyển về phía trước.
Sau các thử nghiệm, các nhà khoa học đã đi đến kết luận đó là những con robot có đuôi dài 4mm thực hiện các bài test tốt nhất, có độ chính xác cao nhất và di chuyển nhanh nhất.
Sau khi xác định được độ dài đuôi của robot “tinh trùng” đã ổn định, các nhà khoa học tiếp tục đưa ra bài thử nghiệm tiếp theo đó là đi qua môi trường chật hẹp như động mạch là ví dụ và kết quả đạt được cũng rất khả quan về khả năng “luồn lách” để đi tiếp của loại robot “tinh trùng” này.
Trước những kết quả khả quan thu được từ loại robot tí hon được lấy cảm hứng từ cách di chuyển của tinh trùng, các nhà khoa học Anh quốc cho biết sẽ tiếp tục phát triển các loại robot mới với kích thước có thể còn nhỏ hơn nữa vì một robot “tinh trùng” có đuôi dài 4mm thực tế có thể luồn lách vô tư trong động mạch chủ của một người lớn nhưng nhiều mao mạch của con người có kích thước còn nhỏ hơn rất nhiều thì sẽ là câu chuyện khác.
Cụ thể, có nhiều mao mạch của con người có đường kính chỉ rộng khoảng 8 micromet – nhỏ hơn khoảng 3.000 lần so với với động mạch và 500 lần nhỏ hơn so với robot “tinh trùng” hiện tại vừa được công bố.
Khôi Nguyên (Theo Live Science)