Các nhà khoa học nêu lý do có thể khiến nước trên Sao Hỏa biến mất

M.P

(Dân trí) - Một nhóm các nhà nghiên cứu ở Mỹ đã thực hiện một công trình khoa học nhằm xác định một trong các nguyên nhân có thể xảy ra khiến cho nước trên Sao Hỏa biến mất.

Các nhà khoa học nêu lý do có thể khiến nước trên Sao Hỏa biến mất - 1

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trong các cơn bão bụi, nước từ bề mặt hành tinh đã bốc lên đến tầng trên của bầu khí quyển, nơi nó biến thành các nguyên tử hydro, sau đó rời bầu khí quyển của Sao Hỏa bay vào không gian.

Theo các nhà khoa học, quá trình này đã ảnh hưởng đến sự tiến hóa của khí hậu trên Hành tinh Đỏ.

Nghiên cứu cũng lưu ý rằng lượng nước trong bầu khí quyển trên cao thay đổi theo mùa, đạt đỉnh vào mùa hè ở phía nam hành tinh và tăng lên khi có bão bụi.

Trước đó, các nhà khoa học đã tìm ra bằng chứng mới về sự tồn tại của nước trên Sao Hỏa bằng cách phân tích kết cấu của một thiên thạch tìm thấy ở sa mạc Sahara.

Trong thành phần khoáng chất của thiên thể này các chuyên gia đã phát hiện ra dấu hiệu của phản ứng oxy hóa đặc trưng cho nước, mà theo nhận định của một trong những tác giả nghiên cứu, có thể xảy ra nếu như trên bề mặt hoặc trong lòng Sao Hỏa 4,4 tỷ năm về trước từng có nước tồn tại.