Các nhà khoa học MIT vô tình tạo ra vật liệu “đen nhất” từ trước đến nay
(Dân trí) - Vật liệu mới được phát hiện này có khả năng hấp thụ đến 99,995% ánh sáng.
Vật liệu này được làm từ các ống nano carbon được sắp xếp theo chiều dọc (CNTs).
Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm các cách để phát triển CNTs trên các vật liệu dẫn điện như nhôm để tăng tính chất điện và nhiệt của chúng. Màu sắc của vật liệu thu được khiến nhóm nghiên cứu ngạc nhiên và họ chỉ nhận ra những gì họ đã phát minh ra sau khi đo độ phản xạ quang học của nó.
Phát hiện này hiện đang được trưng bày tại một cuộc triển lãm nghệ thuật tại Sở giao dịch chứng khoán New York, nơi một viên kim cương màu vàng tự nhiên 16,78 cara đã được phủ vật liệu đặc biệt. Thay vì là một viên đá quý lấp lánh, rực rỡ, thì viên kim cương trị giá 2 triệu USD bắt mắt xuất hiện dưới dạng một khoảng trống bằng phẳng, màu đen.
Nhóm nghiên cứu cho biết vật liệu này cũng có ứng dụng thực tế. Theo Brian Wardle, giáo sư hàng không và du hành vũ trụ tại MIT, nó có thể được sử dụng trong các tấm che quang học làm giảm độ chói không mong muốn, để giúp các kính viễn vọng không gian phát hiện các quỹ đạo ngoài hành tinh. Và thậm chí nếu muốn các nhà nghiên cứu cũng có thể làm cho vật liệu còn đen hơn nữa.
Trước khi MIT phát triển thứ gọi là vật liệu "đen nhất" cho đến nay, Surrey NanoSystems đã tuyên bố làm được điều đó với phát hiện ống nano carbon nhiệt độ thấp. Vật liệu của Surrey có khả năng hấp thụ 99,96% ánh sáng, mặc dù các nhà khoa học khẳng định khái niệm thế hệ thứ hai của công ty có thể còn tối hơn thế (ngay cả khi máy đo quang phổ rõ ràng cũng không thể đo được).
Minh Long
Theo Engadget