1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Các nhà khoa học “giải oan” cho Christopher Columbus?

Trang Phạm

(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu mới đây cho biết Christopher Columbus có thể không phải chịu trách nhiệm đã đưa bệnh giang mai đến châu Âu, dựa trên di tích khảo cổ học.

Các nhà khoa học “giải oan” cho Christopher Columbus? - 1

Theo thông tin mới nhất, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra các dấu vết của vi khuẩn gây bệnh giang mai trong di tích khảo cổ từ Phần Lan, Estonia và Hà Lan trước các cuộc thám hiểm của Columbus. Các phát hiện đã được công bố trên tạp chí Current Biology.

Tác giả nghiên cứu Verena Schünemann, giáo sư cổ sinh học tại Đại học Zurich ở Thụy Sĩ, cho biết: “Có vẻ như đợt bùng phát bệnh giang mai đầu tiên được biết đến không thể chỉ là do các chuyến đi của Columbus đến châu Mỹ”.

Bệnh giang mai, một bệnh lây truyền qua đường tình dục hiện có thể dễ dàng chữa khỏi nếu phát hiện sớm, đã hoành hành ở châu Âu vào cuối thế kỷ XV và giết chết hàng triệu người trong hai thế kỷ sau đó.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy bằng chứng về các chủng vi khuẩn có liên quan trong các di tích lịch sử - một loại gây ra một căn bệnh gọi là bệnh ghẻ cóc, vẫn tồn tại cho đến ngày nay ở các vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới, và một loại mầm bệnh khác, trước đây chưa được biết đến.

Bằng cách phân tích mã di truyền của vi khuẩn, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tiền thân của tất cả bệnh giang mai hiện đại có thể đã tiến hóa từ thế kỷ XII đến thế kỷ XVI.

Nhưng sự đa dạng mới được phát hiện giữa họ vi khuẩn gây ra bệnh giang mai có thể cho thấy căn bệnh này có nguồn gốc hoặc phát triển ở châu Âu, có khả năng xóa tan giả thuyết lâu nay rằng Columbus và các thủy thủ của ông đã gây ra sự bùng phát sau một trong bốn chuyến đi từ năm 1492 - 1502.

Mặc dù bệnh giang mai có thể điều trị được khi phát hiện sớm nhưng đây vẫn là một căn bệnh có tốc độ lây lan nhanh chóng. Dữ liệu gần đây nhất của Tổ chức Y tế Thế giới ước tính rằng có 6 triệu trường hợp mắc bệnh giang mai mới trên toàn thế giới vào năm 2016.