Các nhà khoa học dự đoán về một “cuộc khủng hoảng gạo" ở châu Á
(Dân trí) - Sự gia tăng tiếp tục của nồng độ CO2 trong khí quyển sẽ dẫn đến hậu quả rất bất ngờ, đó là cuộc khủng hoảng lương thực ở châu Á, nguyên nhân là vì độ dinh dưỡng trong gạo sẽ suy giảm mạnh.
Đây là tuyên bố của các chuyên gia về khí hậu trong một bài báo được công bố trên tạp chí Science Advances.
Từ khá lâu, các nhà khí hậu học và các nhà sinh học đã cho rằng tình trạng ấm lên toàn cầu và hệ lụy của nó là sự gia tăng nồng độ carbon dioxide trong khí quyển nói chung có tác dụng tốt đối với các loại thực vật.
Nhưng sau khi tiến hành thí nghiệm, các nhà khoa học rút ra kết luận ngược lại: hóa ra việc gia tăng nồng độ CO2 không chỉ mang lại thuận lợi, mà cả bất lợi cho ngành nông nghiệp. Giá trị dinh dưỡng của loại gạo do nhóm thí nghiệm của ông Christie Ebi (thuộc Đại học Washington ở Seattle) thực hiện trong nhà kính mở trên những cánh đồng lúa ở Trung Quốc và Nhật Bản đã giảm mạnh, do nồng độ vitamin và protein trong hạt lúa suy giảm.
Khi thu hoạch vụ mùa mới, các nhà khoa học đã cân thử loại gạo này và phân tích thành phần hóa học của nó. Người ta thấy rằng tỷ lệ vitamin và protein giảm đi, nồng độ kẽm, sắt và các nguyên tố vi lượng khác cũng giảm.
Tất cả điều này có nghĩa là cư dân sống ở vùng Nam và Đông Nam Á sẽ phải ăn một lượng gạo lớn hơn để nạp vào cơ thể các thành phần dinh dưỡng đầy đủ như trước đây.
Có một điều thú vị là một số loại gạo mà các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu tỏ ra ít nhạy cảm với những biến đổi của khí hậu hơn là một số loại gạo khác.
M.P (Theo Sputnik)