Các nhà khảo cổ tiết lộ phát hiện độc đáo ở Pompeii
(Dân trí) - Các nhà khảo cổ đang làm việc tại hiện trường ở thành phố La Mã cổ đại Pompeii cho biết họ đã có một phát hiện lạ thường.
"Một cỗ xe nghi lễ lớn bốn bánh, với các bộ phận bằng sắt, đồ trang trí bằng đồng và thiếc tuyệt đẹp" được tìm thấy trong quá trình khai quật biệt thự nông thôn ở phía bắc thành phố cổ Pompeii. Trước đó, cũng tại địa điểm này, các nhà khảo cổ đã tìm thấy ba bộ xương ngựa, trong đó có một con ngựa được đóng cương.
"Đây là một khám phá cực kỳ quan trọng để mở rộng kiến thức của chúng ta về thế giới cổ đại", quyền Giám đốc công viên Pompeii Massimo Osanna cho biết.
Ông cũng khẳng định: "Đây là cỗ xe nghi lễ, trong một số nguồn được gọi là Pilentum, không phải để sử dụng hàng ngày và không phải là phương tiện vận tải nông nghiệp, mà dùng để hộ tống trong các ngày lễ, các cuộc diễu hành và đám rước".
Các nhà khảo cổ lưu ý rằng cỗ xe là "một phát hiện độc nhất vô nhị, được bảo quản trong tình trạng tuyệt vời và không có vật tương tự ở Ý".
Thành phố La Mã cổ đại Pompeii, nằm gần Naples, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1592, nhưng chỉ đến năm 1748 mới bắt đầu khai quật. Giờ đây, Pompeii là cả một bảo tàng ngoài trời. Các cuộc khai quật thành phố đã chết vẫn đang được tiến hành.
Thành phố La Mã cổ đại Pompeii là nơi mà năm 79 sau Công nguyên đã bị chôn vùi dưới lớp tro bụi do núi Vesuvius phun trào. Vụ phun trào núi lửa Vesuvius là một trong những thảm họa khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người. Trong vòng hai ngày, thiên tai đã xóa sổ ba thành phố La Mã cổ đại là Pompeii, Herculaneum và Stabiae, là các thành phố nằm gần chân núi lửa nhất.
Mới đây một nhóm các nhà khảo cổ từ Ý đã tiến hành nghiên cứu di hài của những người đã chết sau vụ phun trào núi lửa Vesuvius và phát hiện ra rằng cái chết của họ là tức thời. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra chất trầm tích khoáng sản màu đỏ và đen trên xương và bên trong hộp sọ của các nạn nhân. Phân tích hóa học cho thấy trong chất này có chứa nhiều sắt và các oxit sắt.
Theo các nhà khoa học, phát hiện này minh chứng một điều rằng máu của những người dân xấu số này bị sôi lên và ngay lập tức biến thành hơi nước. "Hiệu ứng này là kết quả tác động trực tiếp của nhiệt độ cao và hơi do áp lực nội sọ hình thành sau khi não bị sôi lên, dẫn tới tình trạng sọ bị nổ tung", các tác giả nghiên cứu cho biết trong bài báo.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng, trong quá trình phun trào, nhiều cư dân thành phố đã tìm cách chạy trốn dòng dung nham có nhiệt độ lên tới 200-500 độ C dọc dải ven biển, nhưng cuối cùng tất cả họ rơi vào bẫy và chết.
M.P
Tổng hợp