1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Các hòn đảo của New Zealand đang từ từ xích lại gần nhau

(Dân trí) - Trong hai năm qua, kể từ khi xảy ra trận động đất mạnh lên đến 7,8 độ richter, Đảo Nam của New Zealand vẫn dần dần dịch chuyển đến gần Đảo Bắc.


Wellington, New Zealand nhìn từ trên cao. Một nghiên cứu mới đây cho biết trận động đất Kaikoura đã đẩy Mũi Campbell ở bờ bắc Đảo Nam tiến gần 35 cm về phía thành phố Wellington nằm ở ngay Eo Cook của Đảo Bắc.

Wellington, New Zealand nhìn từ trên cao. Một nghiên cứu mới đây cho biết trận động đất Kaikoura đã đẩy Mũi Campbell ở bờ bắc Đảo Nam tiến gần 35 cm về phía thành phố Wellington nằm ở ngay Eo Cook của Đảo Bắc.

Do lớp vỏ của Trái Đất tiếp tục biến động sau đợt đứt gãy địa chất trong trận động đất Kaikoura vào năm 2016 cho nên Mũi Campbell ở phía bắc của Đảo Nam đã tiến 35 cm về phía thành phố Wellington nằm ở ngay eo biển Cook của đảo Bắc.

Sự dịch chuyển này diễn ra rất chậm và rất khó để con người cảm nhận được mà chỉ có thể thấy thông qua đo đạc bằng cảm ứng GPS và vệ tinh. Các phép đo cho thấy New Zealand vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng của trận động đất vào đêm ngày 14/11/2016.

Trận động đất Kaikoura là hiện tượng địa chấn vô cùng phức tạp, nó xảy ra ở khu vực giao cắt của hai vùng địa chất khác nhau. Nhìn chung, New Zealand nằm ngay ở rìa của đới hút chìm, nơi mà mảng kiến tạo Thái Bình Dương chìm xuống dưới mảng Ấn – Úc.

Biên giới của đới hút chìm này chạy dọc bờ biển phía đông của Đảo Bắc, trong khi đó Đảo Nam lại là vị trí của đường đứt gãy trượt ngang có tên là đường đứt gãy Alpine. Tại đường đứt gãy này, các mảnh vỏ trái đất chuyển động theo phương nằm ngang ngược hướng với nhau.

Khi trận động đất Kaikoura xảy ra ở Đảo Nam, nó tạo ra hơn 20 đường đứt gãy trên đảo. Câu hỏi đặt ra là những đường đứt gãy khá nông đó còn gây ra bao nhiêu ảnh hưởng nữa và mức độ ảnh hưởng thực tế trước đây của các đường đứt gãy sâu trong lòng đất của đới hút chìm.

Câu trả lời sẽ rất quan trọng vì khi động đất xảy ra ở một đới hút chìm thì mức độ đứt gãy sẽ xác định qui mô của chấn động. Nếu đới hút chìm này hoạt động mở rộng về phía nam thì New Zealand cần chuẩn bị cho những đợt địa chấn cực kì lớn.

Cho đến nay, các dữ liệu thu thập được cho thấy các đứt gãy ở đới hút chìm hầu như không làm tăng tác hại của trận động đất Kaikoura ngay khi xảy ra động đất, nhưng lại ảnh hưởng về sau.

Hiện nay các nhà nghiên cứu chưa khẳng định được sự dịch chuyển của Đảo Nam có liên quan gì đến các trận động đất trong tương lai. Họ vẫn đang tiếp tục quan sát hiện tượng này ở khoảng cách 600 km từ tâm chấn của động đất.

Theo bà Hreinsdóttir, một nhà nghiên cứu địa chất của New Zealand, thì những chuyển động mạnh nhất sau động đất đã xảy ra rồi và bây giờ chỉ còn những dịch chuyển nhỏ và yếu dần. Mặc dù vậy, theo dõi những chuyển động này sẽ giúp các nhà nghiên cứu dự báo được chính xác hơn khả năng xảy ra động đất.

Phạm Hường (Theo Live Science)