Các đám mây mỏng của Sao Hỏa có thể do bụi vũ trụ tạo thành

(Dân trí) - Magie từ các sao chổi bay ngang qua có thể là một phần quan trọng của việc hình thành mây trên Hành tinh Đỏ.

Các đám mây mỏng của Sao Hỏa có thể do bụi vũ trụ tạo thành - 1

Theo một phân tích mới về khí quyển Sao Hỏa, các hạt điện tích, hay ion, của magie từ bụi sao chổi có thể thúc đẩy quá trình hình thành những tinh thể băng nhỏ xíu giúp hình thành mây.

Trong hơn một thập kỉ, các robot thám hiểm tự hành và tàu quỹ đạo đã ghi lại hình ảnh bầu trời Sao Hỏa với những dải mây mỏng do băng CO2 tạo thành. Nhưng theo nhà hóa học John Plane thuộc Đại học Leeds, Anh, không dễ lí giải nguồn gốc xuất xứ của chúng. Tầng khí quyển sinh mây có nhiệt độ giữa –120° C và –140° C – quá ấm để mây CO2 tự hình thành, thường ở –220° C.

Sau đó vào năm 2017, tàu quỹ đạo MAVEN của NASA đã phát hiện một tầng ion magie trôi lơ lửng cách bề mặt Sao Hỏa khoảng 90km. Các nhà khoa học cho rằng magie và có thể các kim loại khác chưa được phát hiện, có nguồn gốc từ bụi sao chổi do sao chổi bay ngang qua để lại. Bụi bốc hơi khi chạm phải khí quyển, để lại một một số lượng nhỏ các kim loại lơ lửng trong không khí. Trái đất cũng có một tầng khí quyển kim loại tương tự, nhưng trước đây chưa từng thấy hiện tượng này ở những nơi khác trong hệ mặt trời.


Các dải mây mỏng trên bầu trời Sao Hỏa - Ảnh từ robot thám hiểm tự hành của NASA.

Các dải mây mỏng trên bầu trời Sao Hỏa - Ảnh từ robot thám hiểm tự hành của NASA.

Theo những tính toán mới, các mảnh magie kết thành khối với khí CO2 – chiếm 95% khí quyển Sao Hỏa – để sản sinh ra phân tử MgCO3. Những phân tử lớn hơn mang điện này có thể hấp thu lượng nước ít ỏi trong bầu khí quyển, tạo ra thứ Plane gọi là tinh thể băng “bẩn”.

Tại nhiệt độ thường thấy trên tầng mây Sao Hỏa, các tinh thể băng CO2 nguyên chất quá nhỏ để có thể tập trung mây xung quanh. Nhưng theo bài viết của Plane và các đồng sự trên tờ Journal of Geophysical Research: Planets, mây có thể hình thành quanh băng bẩn tại nhiệt độ cao khoảng –123° C.

Lộc Ninh (Theo Science News)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm