Các công nhân làm đường phát hiện xương cốt voi ma mút lông xoăn
(Dân trí) - Nga nổi tiếng từng là nơi nhiều loài động vật có vú ăn cỏ cổ đại thích lui tới. Chúng đã lang thang khắp đồng cỏ nước Nga trước khi tuyệt chủng hàng nghìn năm trước.
Các nhà khoa học đã bất ngờ tới ngôi làng Zuya, trung tâm Crimea, sau phát hiện về một hang động cổ đại có chứa xương cốt một con voi ma mút lông xoăn.
Phát biểu với Sputnik, nhà nghiên cứu hang động người, Crimea Gennady Samokhin giải thích rằng bản thân hang động này là một phát hiện độc đáo, và là hang động lớn nhất tại vùng đồi thấp dưới chân núi của Crimea với chiều dài 1.015m.
Samokhin cho biết: “Chúng tôi đã tìm thấy xương chân của voi ma mút và răng của voi ma mút hoặc tổ tiên của chúng, voi răng mấu, niên đại của chúng khoảng 75.000 - 100.000 năm. Ngoài ra, chúng tôi đã tìm thấy số lượng lớn xương dài bị gãy làm hai. Chúng tôi tin điều này có thể là dấu hiệu của hoạt động của loài người”.
Hang động và xương động vật có vú này được tìm thấy trong suốt quá trình xây dựng trên đường cao tốc Tavrida, một đường cao tốc liên bang dài 250km chạy từ Kerch ở phía đông Crimea tới Sevastopol ở phía tây, được bắt đầu từ tháng năm năm ngoái. Việc xây dựng trên đoạn đường tìm thấy hang động đã bị tạm ngưng.
Việc bảo tồn hang động độc đáo này như thế nào đang trong quá trình thảo luận. Samokhin cho biết hang động này có thể được nghiên cứu và thậm chí biến thành một điểm du lịch độc đáo.
Nga là quê hương cuối cùng được biết đến của loài voi ma mút lông xoăn, với một quần thể nhỏ sinh sống trên Đảo Wrangel cho đến năm 1.650 TCN. Hầu hết voi ma mút ở lục địa Á-Âu và Bắc Mỹ được cho là đã tuyệt chủng 10.000 năm trước. Nga cũng là quê hương của Yuka, xác ướp ma mút được bảo tồn tốt nhất thế giới cho đến này, đã chết khoảng 39.000 năm trước, nhưng được bảo tồn ở vùng lãnh nguyên băng giá Yakutia và được phát hiện vào năm 2010.
Lộc Ninh (Theo Sputnik)