Cá voi mõm khoằm ghi kỷ lục lặn liên tục 3 giờ 42 phút
(Dân trí) - Các nhà khoa học vẫn chưa biết làm thế nào mà loài thú có vú này có thể lặn lâu như vậy.
Nhà sinh vật học biển của Trường đại học Duke, Mỹ, Tiến sĩ Nicola Quick nói rằng “chúng là những thợ lặn đáng nể”. Những con cá voi mõm nhọn này thường thường sống ở vùng nước sâu nhất thế giới và có thể thực hiện những cú lặn sâu nhất và lâu nhất trong số các động vật có vú, chúng có thể xuống đến tận độ sâu 3.048 mét dưới mặt nước biển.
Tiến sỹ Quick vừa công bố một nghiên cứu cho biết kỷ lục lặn gần đây nhất của loài cá voi này là 3 giờ 42 phút, dài gần gấp 7 lần so với ước tính của các nhà khoa học về khả năng lặn của loài động vật có vú này dựa trên hiểu biết khoa học về kích thước và tốc độ chuyển hóa trong cơ thể của chúng.
Hầu hết mọi người đều không thể nhịn thở quá 1 – 2 phút, mặc dù Sách Kỷ lục Thế giới đã ghi nhận một thợ lặn không cần ngoi lên lấy hơi trong suốt 24 phút.
Những cú lặn kỳ thú của cá voi mõm khoằm luôn đi kèm với khả năng săn mồi của chúng. Bằng cách lao mình xuống tầng nước sâu đến mức ánh sáng gần như không lọt xuống nổi, những con vật này có thể phát hiện và thưởng thức bữa ăn là những đàn cá hoặc đàn mực, trong khi hầu hết các loài ăn thịt khác không thể xuống sâu như vậy.
Nhưng cũng vì đặc điểm sinh sống dưới tầng nước sâu như vậy nên cá voi mõm khoằm cũng nằm trong số những loài thú có vú ít được tìm hiểu nhất. Mặc dù chúng cũng có lúc nổi lên mặt nước, nhưng thường thì chỉ một vài phút, vừa đủ để hít vài hơi không khí trong lành.
Mặc dù vậy, bằng một số thao tác nhanh nhẹn, Tiến sỹ Quick và đồng nghiệp vẫn có thể gắn thẻ đánh dấu cho hơn 20 con cá voi mũi khoằm ở gần Cape Hatteras ở Bắc Carolina, Mỹ. Từ năm 2014 đến 2018, nhóm nghiên cứu đã theo dõi sự di chuyển của chúng và ghi nhận 3.689 cú lặn kiếm ăn của những con thú này.
Các tính toán trước đây cho thấy cá voi mõm khoằm trưởng thành có thể nặng đến 2.268 kg và dài 6,1 mét. Chúng có thể hít một hơi và lấy đủ oxygen để lặn suốt 33 phút dưới mặt nước biển. Nhưng đa số những cú lặn mà nhóm của Tiến sỹ Quick ghi được đều kéo dài khoảng 1 giờ, với một vài lần đặc biệt lâu hơn 2 giờ.
Thật đáng ngạc nhiên là những con cá voi này không hề hấn gì với những kỳ tích lặn đó. Gần như không có gì liên quan giữa thời gian chúng lặn với thời gian nổi lên mặt nước để lấy không khí.
Thậm chí một con cá voi kỳ quặc đã thực hiện 2 cú lặn, một lần dài 2 giờ 53 phút và lần khác là 3 giờ 42 phút. Tiến sỹ Quick nói rằng những con số này thật đáng kinh ngạc so với giới hạn sinh lý của loài động vật này, nhưng bà cũng nói thêm rằng rất có thể đây chỉ là một vài con vô cùng đặc biệt. Cả hai lần lặn này được ghi nhận trong những tuần sau khi con cá này tiếp xúc với tín hiệu siêu âm của Hải quân, một âm thanh được cho là làm phiền các loài động vật dưới biển.
Ít nhất đã có những biểu hiện thích ứng với môi trường giúp cho loài thú có vú này tồn tại và sống sót trong những lần lặn sâu. Một là có thể cá voi chuyển dòng máu không đi vào gan, thận và ruột để giải phóng oxygen cho não, tim và cơ bắp – là những tế bào thiết yếu trong việc lặn sâu; và hai là chúng hạ thấp nhịp tim để giảm trao đổi chất.
Bà Lucía Martina Martín López, nhà sinh thái học động vật có vú dưới biển của Trường đại học St. Andrew, Anh, cho rằng có thể cá voi mõm khoằm có cấu tạo cơ đặc biệt khiến cho các tế bào ít phụ thuộc vào oxygen hơn. Do đó, khi các kho chứa oxygen cạn kiệt, loài vật này có cách chịu đựng được các hóa chất độc hại đang tích tục trong các cơ bắp đã làm việc mệt mỏi.
Những cú lặn kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ có thể vượt quá sức tưởng tượng của con người. Nhưng với cá voi mõm khoằm, với đặc điểm sinh lý độc đáo của chúng, những hành trình dưới biển sâu có thể chỉ là một chuyến bách bộ trong công viên. Điều đó cho thấy đặc điểm sinh lý của các loài thú có vú thật kỳ diệu.