1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Cá voi cổ đại ở Peru có thể là loài động vật nặng nhất trong lịch sử

Nguyễn Hoàng

(Dân trí) - Nhóm phân tích mẫu hóa thạch cho biết trọng lượng của con vật ước tính vào khoảng từ 85 đến 340 tấn, tương đương hoặc có thể nặng gấp 2-3 lần một con cá voi xanh.

Cá voi cổ đại ở Peru có thể là loài động vật nặng nhất trong lịch sử - 1

Hình ảnh phỏng đoán của loài Perucetus (Ảnh: Alberto Gennari).

"Với khối lượng cơ thể ước tính từ 85 đến 340 tấn, trọng lượng của loài Perucetus (loài cá voi cổ đại được phát hiện ở Peru, hiện đã tuyệt chủng) tương đương hoặc vượt quá trọng lượng của cá voi xanh", Giovanni Bianucci, tác giả bài nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature, cho biết.

Cá voi xanh là loài từng được coi là có khối lượng cơ thể lớn nhất thế giới động vật.

Mẫu hóa thạch được tìm thấy gồm một phần bộ xương của Perucetus, bao gồm 13 đốt xương sống, 4 xương sườn và 1 xương hông, chiều dài ước tính khoảng 17-20m.

Theo nghiên cứu, dù mẫu hóa thạch này ngắn hơn bộ xương của một con cá voi xanh dài 25m nhưng khối lượng xương của nó vẫn có khả năng vượt qua bất kỳ động vật có vú hoặc động vật có xương sống biển nào từng tồn tại, bao gồm cả họ hàng khổng lồ của nó.

Khối lượng tối đa của một con cá voi xanh được ghi nhận là 149,6 tấn. Còn theo các nhà nghiên cứu, Perucetus có thể nặng gấp hai đến ba lần so với cá voi xanh. 

"Perucetus có thể nặng bằng hai con cá voi xanh, ba con Argentinosaurs (một loài khủng long chân thằn lằn khổng lồ), hơn 30 con voi bụi cỏ Châu Phi và khoảng 5.000 người", Bianucci, chuyên gia về cổ sinh vật học - Đại học Pisa, Ý, cho biết.

Perucetus được cho rằng bơi khá chậm do khối lượng cơ thể khổng lồ và kiểu bơi uốn lượn cơ thể theo chiều ngang.

Chuyên gia Bianucci cho biết xương của Perucetus "được tạo thành từ chất xương cực kỳ đặc và chắc", "dày và nặng", hiện nay không còn được tìm thấy ở bất kỳ loài động vật biển có vú khác.

Các nhà nghiên cứu cho rằng trọng lượng và kích thước của cá voi cổ đại Perucetus có thể là sự tiến hóa để thích nghi với cuộc sống ở vùng nước ven biển nông và động, "nơi một bộ xương đặc biệt nặng đóng vai trò như một cái neo".

"Khối lượng xương cực lớn của Perucetus cho thấy quá trình tiến hóa có thể tạo ra những sinh vật vượt xa trí tưởng tượng của chúng ta", ông Bianucci nói.

Những phát hiện nói trên là kết quả mới nhất của một nhóm các nhà khoa học nghiên cứu tại Ica, miền nam Peru, nơi tập hợp những mẫu hóa thạch động vật có xương sống quan trọng nhất của Kỷ nguyên Kainozoi, cách đây khoảng 66 triệu năm.

Cá voi cổ đại ở Peru có thể là loài động vật nặng nhất trong lịch sử - 2

Một mẫu hóa thạch khổng lồ của Perucetus đang chuẩn bị được vận chuyển (Ảnh: Giovanni Bianucci).

Các mẫu vật khác được tìm thấy ở khu vực này trước đây bao gồm: Peregocetus pacificus, loài động vật biển có vú bốn chân cổ xưa nhất từng đến Thái Bình Dương; Mystacodon selenesis, tổ tiên của cá voi tấm sừng hàm hiện đại và cá nhà táng khổng lồ.

"Gã khổng lồ" không nguy hiểm?

Đốt sống đầu tiên của loài Perucetus được nhà cổ sinh vật học người Peru Mario Urbina Schmitt phát hiện cách đây hơn 10 năm. 

"Việc khai quật từ hệ tầng đất sét - phù sa Paracas mất nhiều năm do đá cứng, vị trí của hóa thạch nằm sâu trong lòng núi, kích thước cực lớn của bộ xương và điều kiện môi trường khắc nghiệt của sa mạc Ica", ông Bianucci cho biết.

Cá voi cổ đại ở Peru có thể là loài động vật nặng nhất trong lịch sử - 3

Các nhà khoa học dùng máy khoan lõi vào sâu bên trong mẫu xương hóa thạch để đánh giá cấu trúc bên trong của chúng (Ảnh: Giovanni Bianucci).

Tên của sinh vật khổng lồ này là Perucetus colossus, thể hiện nguồn gốc địa lý của nó: Peru. Cụm "cetus" là từ tiếng Latinh có nghĩa là cá voi; và "colossus" (kolossós) tiếng Hy Lạp cổ có nghĩa là "bức tượng lớn".

Với một bộ xương nặng, Perucetus được dự đoán là có nhiều mô nhẹ để có được lực nổi tự nhiên. Đây là điểm khác biệt cơ bản so với động vật sống trên cạn.

Qua phân tích mẫu hóa thạch, các chuyên gia cho biết cá thể Perucetus dường như đã đến tuổi trưởng thành nhưng cơ thể vẫn đang tiếp tục phát triển, bằng chứng là các đầu đốt xương sống vẫn chưa khớp với nhau.

Bianucci cho biết dù các nhà nghiên cứu không có hộp sọ và răng của con vật nhưng vẫn có thể dự đoán những đặc điểm của nó như có khả năng kiếm ăn gần đáy biển và không phải là kẻ săn mồi tích cực.

Các nhà khoa học đưa ra ba giả thuyết về chế độ ăn uống của Perucetus: Nó có thể là loài ăn thực vật giống như con bò biển, nhưng nếu vậy đây sẽ là trường hợp ăn cỏ duy nhất trong thế giới các loài động vật biển có vú.

Sinh vật cổ đại này cũng có thể ăn động vật thân mềm và động vật giáp xác nhỏ ở đáy cát giống như cá voi xám hiện đại. Giả thuyết thứ ba, có thể Perucetus là một "chuyên gia" nhặt xác các loài động vật có xương sống.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục khám phá sa mạc Ica để tìm những mẫu hóa thạch khác có thể cho phép chúng tôi kể chi tiết hơn nữa về lịch sử tiến hóa phi thường của động vật biển có vú", ông Bianucci nói.

Tác giả của nghiên cứu nói thêm: "Biết thêm về lịch sử của Perucetus có thể giúp trả lời nhiều câu hỏi khác, chẳng hạn như liệu mẫu hóa thạch này có phải là bằng chứng cho nguồn gốc của lớp mỡ dày dưới da của các loài động vật biển có vú hay không?

Giả thuyết đó phù hợp với tuổi của một mẫu hóa thạch khoảng 39 triệu năm tuổi, thời điểm trái đất và các đại dương đang nguội đi và lớp mỡ dày giữ nhiệt trở thành là một lợi thế".

Theo edition.cnn.com