Cả nước có gần 2.500 tổ chức khoa học và công nghệ
(Dân trí) - Theo báo cáo của Đoàn giám sát - Ủy ban thường vụ Quốc hội thì hiện nay cả nước có gần 2.500 tổ chức khoa học và công nghệ, tăng 11,15 lần so với năm 1996.
Cụ thể, có 1.111 tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) công lập gồm 594 tổ chức thuộc trung ương, 507 tổ chức thuộc địa phương, 02 viện Hàn lâm (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), 02 đại học quốc gia (Đại học Quốc gia Tp. Hà Nội và Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh), hơn 207 trường đại học.
Trong đó có 642 tổ chức KH&CN công lập thuộc diện phải chuyển sang hoạt động theo hình thức tự chủ, tự chịu trách nhiệm (gồm 473 tổ chức thuộc các bộ, ngành và 169 tổ chức thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Đến ngày 31/12/2014, có 488 tổ chức đã được phê duyệt Đề án thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm (đạt 76%), trong đó có 380 tổ chức thuộc các bộ, ngành và 108 tổ chức thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong 488 tổ chức đã được phê duyệt Đề án có 295 tổ chức thuộc loại hình tự trang trải kinh phí hoạt động thường xuyên (223 tổ chức thuộc các bộ, ngành và 72 tổ chức thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và 193 tổ chức thuộc loại hình tổ chức KH&CN hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược, chính sách, nghiên cứu xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành, phục vụ quản lý nhà nước và được ngân sách nhà nước tiếp tục hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên theo phương thức khoán (trong đó, 157 tổ chức thuộc các bộ, ngành và 36 tổ chức thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
Số liệu Bộ KH&CN cho thấy đến năm (2016) về cơ bản các tổ chức KH&CN công lập đã được phê duyệt đề án thực hiện cơ chế tự chủ.
Có 1.389 tổ chức KH&CN ngoài công lập (665 tổ chức thuộc khối trung ương, 724 tổ chức thuộc khối địa phương), chiếm hơn 52% tổng số tổ chức KH&CN.
Có 09 cơ sở ươm tạo CNC và ươm tạo doanh nghiệp CNC đã được xây dựng và đi vào hoạt động. Mặc dù đã có một số doanh nghiệp được ươm tạo thành công, tuy nhiên nhiều cơ sở ươm tạo CNC và doanh nghiệp CNC hoạt động như một đơn vị cho thuê phân xưởng và máy móc. Nhiều dịch vụ quan trọng khác như đào tạo, tư vấn, kết nối nhà đầu tư, kết nối với các doanh nghiệp lớn vẫn chưa được cung cấp. Điều này hạn chế các cơ sở ươm tạo CNC và ươm tạo doanh nghiệp CNC phát huy vai trò trong việc hỗ trợ việc phát triển CNC và hình thành doanh nghiệp CNC ở Việt Nam.
Nhân lực nghiên cứu và phát triển công nghệ chưa đạt mục tiêu
Báo cáo của Đoàn giám sát cũng cho hay, cả nước có khoảng 4,28 triệu người có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên, trong đó có 24,3 nghìn tiến sĩ (trong đó có 12.261 tiến sĩ hoạt động trong các lĩnh vực KH&CN, trong đó 41% làm việc trong các trường đại học và cao đẳng), 101 nghìn thạc sỹ (trong đó 35% làm việc trong các trường đại học và cao đẳng). So với năm 1996, đội ngũ này tăng hơn 4,6 lần (trung bình 11,6%/năm), số tiến sỹ tăng hơn 2,6 lần (7%/năm) và số thạc sỹ tăng 6,7 lần (14%/năm); tuổi bình quân là 38,5 (trên 62% số người có trình độ đại học dưới 39 tuổi. Tuy nhiên, hơn 60% tiến sỹ đã ở độ tuổi trên 50, trên 21% ở độ tuổi 40 - 49, 16% ở độ tuổi 30 - 39 và chỉ có 2,8% ở độ tuổi 20 - 29). Đây là lực lượng tiềm năng tham gia vào các hoạt động KH&CN của đất nước.
Cả nước có 164.744 người tham gia hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ (14 người/vạn dân), trong đó số cán bộ nghiên cứu có trình độ cao đẳng và đại học trở lên là 128.997 người. Nếu quy đổi toàn thời gian (FTE), số lượng cán bộ nghiên cứu và phát triển công nghệ (R&D) của Việt Nam chỉ đạt 7 người/vạn dân.
Trong khi đó mục tiêu của chiến lược nhân lực R&D đạt 9-10 người/vạn dân vào năm 2015 và 11-12 người/vạn dân vào năm 2020.
Đoàn giám sát cho rằng, mặc dù nhân lực R&D của Việt Nam có tăng trong những năm qua, nhưng còn rất thấp so với các nước phát triển, cả về giá trị tuyệt đối và tỷ lệ trên dân số, chất lượng nguồn nhân lực cũng còn hạn chế.
Nguyễn Hùng