1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Cá nhà táng - sinh vật ăn thịt có răng lớn nhất trên Trái đất

Trang Phạm

(Dân trí) - Cá nhà táng có răng lớn nhất, đầu hình vuông khổng lồ và bộ não lớn nhất so với bất kỳ loài động vật nào trên Trái đất.

Cá nhà táng - sinh vật ăn thịt có răng lớn nhất trên Trái đất - 1

Cá nhà táng (Physeter macrocephalus) là loài còn sống duy nhất trong chi Physeter và có quan hệ họ hàng gần với cá heo. Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), con người đã săn bắt cá nhà táng rất nhiều vào những năm 1800 và 1900 lấy tinh dầu của chúng để sử dụng trong đèn dầu và các sản phẩm khác.

Việc săn bắt cá voi hiện đã bị cấm ở hầu hết các quốc gia và việc buôn bán thương mại phần lớn đã chấm dứt. Tuy nhiên, quần thể cá nhà táng vẫn chưa phục hồi sau hoạt động săn bắt cá voi và chúng vẫn dễ bị tuyệt chủng.

Cá nhà táng lớn cỡ nào?

Cá nhà táng - sinh vật ăn thịt có răng lớn nhất trên Trái đất - 2

Cá nhà táng đực có thể dài tới 18m và nặng tới 57 tấn. Con cái nhỏ hơn, dài tối đa 11m và nặng tới 15 tấn.

Đầu của một con cá nhà táng chiếm khoảng một phần ba chiều dài toàn bộ cơ thể của nó. Nó có hàm dưới hẹp, đặc biệt chứa tất cả các răng. Răng của cá nhà táng có hình nón và có thể dài tới 20cm và nặng 1kg mỗi chiếc.

Cá nhà táng sống ở đâu?

Cá nhà táng sống ở các đại dương trên khắp thế giới và phạm vi địa lý của chúng bao phủ hầu hết các vùng nước biển sâu hơn khoảng 1.000m và không bị băng bao phủ.

Tuổi tác, giới tính, nguồn thức ăn sẵn có và các yếu tố khác ảnh hưởng đến nơi sinh sống và đi lại của cá nhà táng, nhưng việc di cư của chúng không được dự đoán hoặc hiểu rõ như các loài cá voi khác.

Theo NOAA, những con đực trưởng thành có thể di cư lâu dài vào vùng nước mát hơn về phía các cực để có nguồn thức ăn tốt hơn, trong khi con cái và con của chúng ở những vùng nước nhiệt đới ấm hơn quanh năm.

Cá nhà táng - sinh vật ăn thịt có răng lớn nhất trên Trái đất - 3

Đời sống xã hội của cá nhà táng

Cá nhà táng là động vật xã hội và sử dụng nhiều loại âm thanh để giao tiếp với nhau, bao gồm những âm thanh như tiếng huýt sáo. Chúng thường sống thành từng nhóm khoảng 30 cá thể nhưng quy mô khác nhau và một số cá thể sống đơn độc.

Những con đực trưởng thành di cư thường quay trở lại vùng biển nhiệt đới vào mùa xuân để giao phối. Con cái có thời gian mang thai từ 14 đến 16 tháng trước khi sinh một con non. Con con uống sữa mẹ trong vài năm nhưng cũng bắt đầu ăn thức ăn khác, chẳng hạn như mực, trong 12 tháng đầu đời.

Cá nhà táng cái đạt độ tuổi phát dục từ 8 đến 11 tuổi. Con đực có thể đạt đến độ tuổi trưởng thành vào khoảng 10 tuổi, nhưng chúng không đạt được vị trí xã hội đủ cao để giao phối cho đến khi chúng ở độ tuổi 20.

Các nhà khoa học không biết tuổi thọ chính xác của cá nhà táng nhưng một số bằng chứng cho thấy loài cá này có thể sống đến tuổi 70.

Cá nhà táng ngủ khoảng 10 đến 15 phút mỗi lần bằng cách lặn xuống nước, xoay người và chợp mắt ở tư thế thẳng đứng với đuôi cụp xuống, trong khi chúng từ từ nổi lên trên mặt nước. Chúng chỉ dành khoảng 7% thời gian ở trạng thái không hoạt động này.

Những sinh vật này có thể lặn sâu tới 3 km và nhịn thở trong hai giờ đồng hồ khi tìm kiếm con mồi. Chúng chủ yếu ăn mực, bạch tuộc, cá mập và các động vật khác sống ở đại dương sâu, đặc biệt là mực khổng lồ. Cá nhà táng thường không gây nguy hiểm cho con người.

Cá nhà táng được các tổ chức nghiên cứu cho dễ bị tuyệt chủng, nhưng sau đánh giá năm 2008, các chuyên gia không chắc liệu quần thể cá nhà táng đang tăng, giảm hay ổn định. Các nhà khoa học ước tính khoảng 1,1 triệu cá thể vào năm 1700 và dân số của chúng giảm khoảng 67% xuống còn 360.000 cá thể vào những năm 1990, do nạn săn bắt cá voi. Việc đánh bắt cá voi thương mại quy mô lớn đã chấm dứt vào khoảng năm 1980 nhưng không rõ liệu quần thể cá nhà táng từ đó có tăng lên hay vẫn đang giảm đi. Nhật Bản hiện là quốc gia duy nhất còn săn bắt cá nhà táng.

Theo tổ chức Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), cá nhà táng phải đối mặt với các mối đe dọa khác do con người gây ra như vướng vào ngư cụ, bị tàu đâm và ô nhiễm. Hiện cá nhà táng nằm trong Danh sách các loài nguy cấp của Mỹ và được bảo vệ theo Đạo luật Bảo vệ Động vật có vú biển.