Cá mặt trời khổng lồ dạt vào bờ biển

Phạm Hường

(Dân trí) - Một con cá mặt trời khổng lồ hiếm có đã dạt vào bờ biển Gearhart. Cho đến nay, nó là cá thể lớn nhất trong loài được con người phát hiện.

Cá mặt trời khổng lồ dạt vào bờ biển - 1
Xác con cá mặt trời hoodwinker trên bãi biển Gearhart, Oregon, Mỹ, vào ngày 3/6/2024. (Ảnh: Tiffany Boothe/Seaside Aquarium.)

Những người đi dạo trên bờ biển Gearhart vào ngày 3/6 vừa qua đã sửng sốt khi nhìn thấy một con cá khổng lồ dài 2 mét với thân tròn, vây to và mắt lồi dạt vào bờ.

Một chuyên gia xác định con cá mặt trời này là loài có tên khoa học Mola tecta. Nó là một trong những loài cá có xương sống lớn nhất trên thế giới và hiếm khi xuất hiện ở bán cầu bắc. Con cá dạt vào bờ biển Gearhart là cá thể to nhất được biết đến.

Nhà sinh vật biển Marianne Nyegaard nhận định con cá này thuộc loài cá mặt trời hoodwinker quý hiếm. Chuyên gia ở Thủy cung Bờ biển, nơi tiếp nhận thông tin về con cá này, cũng xác nhận như vậy sau khi họ tiếp cận và kiểm tra nó. Độ dài chính xác của nó là 2,2 mét.

Cá mặt trời khổng lồ dạt vào bờ biển - 2
Một loài cá mặt trời khác trong chi cá molar có các đường rãnh dọc thân, còn con cá này có thân nhẵn nhụi. (Ảnh: Tiffany Boothe/Seaside Aquarium.)

Cá mặt trời hoodwinker là một trong ba loài thuộc chi molar. Hai loài còn lại là mola mola và mola alexandrini. Theo Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ, cả ba loài cá này đều có thể dài đến 3,3 mét và nặng đến 2,3 tấn.

Cá mặt trời kiếm ăn ở độ sâu từ 200 đến 600 mét. Chúng ăn sứa, cá nhỏ và động vật giáp xác. Trong lúc đi săn mồi, nhiệt độ cơ thể chúng có thể giảm xuống dưới 10 độ C. Đôi khi, người ta thấy chúng tắm nắng gần mặt biển để điều chỉnh nhiệt độ cơ thể sau khi đi săn.

Cá mặt trời khổng lồ dạt vào bờ biển - 3
Con cá mặt trời hoodwinkder dạt vào bờ dài 2,2 mét, là cá thể lớn nhất trong loài từng được con người nhìn thấy. (Ảnh: Tiffany Boothe/Seaside Aquarium).

Không giống hai loài còn lại trong chi molar là có rãnh và gờ trên thân, loài hoodwinker có thân nhẵn nhụi, đuôi dày có da giống như một chiếc bánh lái điều hướng trong khi bơi. Hiện các chuyên gia chưa rõ con cá này đến từ đâu và vì sao nó lại dạt lên bờ.

Cá mặt trời hoodwinker thường chỉ sống ở bán cầu nam, chủ yếu ở vùng biển của Úc, New Zealand và Nam Phi. Tuy nhiên, gần đây có một số trường hợp quan sát thấy loài cá này ở bán cầu bắc, cụ thể là ở California và Alaska.

Các nhà khoa học không biết những con cá này đã di chuyển bao xa, liệu chúng có đang di cư không hay những trường hợp này là dấu hiệu của một quần thể cá mặt trời chưa được xác định. Ví dụ như vào năm 2017 các nhà khoa học đã công nhận một loài cá mặt trời mới là loài M.tecta sau khi nó bị nhầm lẫn trong nhiều thập kỷ với một loài khác tên là M.mola.

Theo www.livescience.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm