Bộ trưởng Bộ Khoa học: “Tỷ lệ đầu tư cho KH&CN từ xã hội đã có chuyển dịch mạnh”

(Dân trí) - Tỷ lệ đầu tư cho KH&CN từ xã hội đã có chuyển dịch mạnh và ngày càng tăng, đến nay vượt mức đầu tư từ ngân sách nhà nước. Tỷ trọng đầu tư cho khoa học công nghệ giữa nhà nước và doanh nghiệp không còn ở mức 7:3 như đầu thập kỷ này mà đổi lại là mức 5,2:4,8.

Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đưa ra tại Lễ mitting ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2019 và Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu, Giải thưởng báo chí về Khoa học và Công nghệ.

Bộ trưởng Bộ Khoa học: “Tỷ lệ đầu tư cho KHCN từ xã hội đã có chuyển dịch mạnh” - 1

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh. 

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho hay, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn quan tâm nhiều hơn đến đầu tư cho KH&CN; doanh nghiệp vừa và nhỏ đã có sự quan tâm bước đầu và đầu tư cho KH&CN; doanh nghiệp KH&CN tăng trưởng ngày càng rõ nét trong phát triển kinh tế; doanh nghiệp đổi mới sáng tạo startup của Việt Nam đã có bước trưởng thành mạnh mẽ, tiếp cận, cạnh tranh được với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc tế.  

Cũng theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, bám sát chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, trong thời gian qua, ngành KH&CN Việt Nam luôn nỗ lực để đẩy mạnh việc nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

“Theo đánh giá khách quan của các tổ chức quốc tế vừa qua cho thấy, KH&CN có những đóng góp thiết thực cho chất lượng tăng trưởng. Điều này được thể hiện qua các số liệu cụ thể, ví dụ như Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) của Việt Nam những năm gần đây liên tục tăng cao, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp (năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng tiếp 2 bậc, xếp thứ 45/126 quốc gia); chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 43,3% trong giai đoạn 2016-2018, vượt mục tiêu đề ra là 35% giai đoạn 2010-2020”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.

Ngành KH&CN vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu trong thời gian qua nhưng Bộ trưởng Chu Ngọc Anh vẫn thẳng thắn thừa nhận, nhận thức của các cấp, các ngành và các địa phương về vai trò của KH&CN và đổi mới, sáng tạo còn chưa đầy đủ, toàn diện. Hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự tạo động lực cho ứng dụng phát triển KH&CN; KH&CN và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, cho tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế và tăng năng suất lao động xã hội.

Bộ trưởng thông tin, tại các Phiên họp của Tiểu ban Kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị bổ sung đột phá phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo vào Báo cáo chiến lược 10 năm phát triển kinh tế - xã hội (2021-2030) và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), coi đây là nền tảng quan trọng để cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Tại Hội nghị KH&CN & Đổi mới sáng tạo được tổ chức ngày 15/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã nói “Tài nguyên là có hạn; chất xám, sự sáng tạo của con người là vô hạn” và giao cho ngành KH&CN 5 nhiệm vụ quan trọng và chỉ đạo Bộ KH&CN cần phát huy vai trò điều phối, nâng cao hiệu quả công tác giữa các bộ, ngành và giữa các cấp trong phát triển và ứng dụng kết quả KH&CN vào phát triển kinh tế - xã hội. Thúc đẩy hợp tác quốc tế về KH&CN và đổi mới sáng tạo; nhằm khai thác lợi thế, chia sẻ kinh nghiệm và tận dụng các thành tựu KHCN tiên tiến, cũng như chủ động nắm rõ các xu thế KH-CN trên thế giới để có phương án vận dụng hiệu quả vào Việt Nam.

“Đây là cơ hội để toàn ngành KH&CN cùng chung tay, chung sức, cùng Chính phủ và các Bộ, ngành thực hiện các mục tiêu phát triển trong giai đoạn tới.

Để thực hiện nhiệm vụ được giao, cần huy động đội ngũ cán bộ KH&CN. Chúng ta cần tập trung nghiên cứu, sáng tạo vì các mục tiêu, định hướng lớn, giải quyết các bài toán lớn, đồng bộ, tổng thể theo chuỗi giá trị”, Bộ trưởng chia sẻ với các nhà khoa học tham dự buổi lễ.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng khẳng định, trong hệ thống KH&CN hiện nay, cần quan tâm, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ, trong đó có đội ngũ startup, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp KH&CN; coi đây là nhân tố tiên phong trong quá trình hội nhập trong điều kiện cuộc cách mạnh công nghiệp mới.

Nguyễn Hùng (Lược ghi)