1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Bổ sung a-xít phô-líc có thể giảm nguy cơ chứng tự kỷ ở trẻ

(Dân trí) - A-xít phô-líc (folic acid) là một vi-ta-min nhóm B hỗ trợ giảm nguy cơ mắc chứng tự kỷ cũng như các triệu chứng khi đã mắc phải - đây là phát hiện của 5 nghiên cứu riêng biệt đã được công bố trong vài tháng qua.

Ba trong số các nghiên cứu này đề xuất bổ sung folic acid cho phụ nữ trước khi sinh con để giảm nguy cơ mắc chứng tự kỷ cho thai nhi do tiếp xúc với các thuốc động kinh hoặc hóa chất độc hại do người mẹ hấp thụ. Bổ sung folic acid còn được coi có tác dụng phòng ngừa dị tật bẩm sinh.

Bổ sung a-xít phô-líc có thể giảm nguy cơ chứng tự kỷ ở trẻ - 1

Nghiên cứu thứ 4 phát hiện ra những người tự kỉ và bố, mẹ, anh, chị, em ruột có nguy cơ mang các phân tử miễn dịch cản trở đưa folate (cũng là một a-xít a-min nhóm B cùng với folic acid) lên não. Nghiên cứu thứ 5 tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên một nhóm đối tượng hẹp đưa ra kết luận folinic acid (một dạng của folic acid) có khả năng cải thiện năng lực ngôn ngữ và giao tiếp cho người tự kỷ.

Nguy cơ do sử dụng thuốc

Trong nghiên cứu về bổ sung vi chất cho bà mẹ trước khi sinh, các nhà khoa học tìm hiểu tác dụng của folic acid trong việc giảm nguy cơ mắc tự kỷ ở trẻ bị tiếp xúc với thuốc động kinh trong thời gian nằm trong bụng mẹ. Các thuốc này (ví dụ: valproic acid) làm tăng nguy cơ mắc tự kỷ đến đâu thì vẫn chưa rõ ràng, nhưng chúng có tác động tới sự chuyển hóa và hấp thụ folic acid trong ruột vào các mô của cơ thể.

Các nhà nghiên cứu kiểm tra dữ liệu của 104.946 ca sinh ở Na-uy từ năm 1999 đến 2008. Họ tập trung vào 288 bà mẹ sử dụng thuốc động kinh trong thời gian mang thai. 220 trong số 288 bà mẹ đó cho biết họ uống bổ sung folic acid từ 4 tuần trước cho đến 12 tuần sau khi thụ thai - đây là thời kì quyết định sự phát triển não bộ của thai nhi.

Sau đó, kiểm tra khi trẻ 18 tháng tuổi cho thấy những bé nào có mẹ không uống folic acid có nguy cơ mắc tự kỷ cao gấp 6 lần; kiểm tra trẻ khi 36 tháng tuổi cho thấy nguy cơ này là 8 lần. "Chúng tôi cho rằng tất cả những bà mẹ có dùng thuốc chống động kinh nên uống bổ sung folic acid thường xuyên, ngay cả khi họ không có kế hoạch mang thai" - đây là lời khuyên của nhà điều tra nghiên cứu Marte Bjork, đồng thời là nhà thần kinh học của Bệnh viện Đại học Haukeland ở Bergen, Na-uy.

Ảnh hưởng của thuốc trừ sâu

Hai nghiên cứu còn lại về các trường hợp phụ nữ mang thai có bổ sung folic acid và các vi-ta-min khác từ thực phẩm và các viên uống.

Một trong hai nghiên cứu này tìm hiểu xem folic acid có giảm được hay không nguy cơ trẻ tự kỷ có liên quan đến thuốc trừ sâu.

Các bà mẹ của 296 trẻ tự kỷ và 220 trẻ trong nhóm đối chứng đã tham gia khảo sát mức độ tiếp xúc với thuốc trừ sâu ở nhà trong thời gian họ mang thai. Nghiên cứu này cũng ước tính mức độ tiếp xúc với thuốc trừ sâu dựa trên khoảng cách từ nhà đến các trang trại có sử dụng các hóa chất này.

Trong số các bà mẹ có bổ sung folic acid trên mức trung bình thì những ai tiếp xúc với thuốc trừ sâu có tỉ lệ sinh con tự kỷ cao gấp 1,3 đến 1,9 lần so với các phụ nữ không tiếp xúc. Các bà mẹ bổ sung folic acid dưới mức trung bình và có tiếp xúc thuốc trừ sâu thì nguy cơ cao gấp đôi tức là khoảng 2,6 đến 3,8 lần.

Nghiên cứu còn lại được tiến hành đối với các ca sinh ở California, có ước tính mức độ tiếp xúc với 5 loại chất gây ô nhiễm không khí. Số liệu khảo sát cho biết thông tin về 346 trẻ tự kỷ và 260 trẻ trong nhóm đối chứng. Kết quả cho thấy việc bổ sung folic acid trên mức trung bình hầu như không làm giảm nguy cơ sinh con tự kỷ ở những bà mẹ tiếp xúc với 4 chất ô nhiễm không khí. Duy chỉ có 1 chất có liên quan: ni-tơ đi-ô-xit (nitrogen dioxide NO­2). Nghiên cứu có đối chứng về năm sinh của trẻ, các loại vi-ta-min và khoáng chất người mẹ bổ sung và điều kiện kinh tế xã hội của gia đình.

Tuy vậy, các chuyên gia vẫn lưu ý rằng nghiên cứu này mới ở qui mô nhỏ và các nhà nghiên cứu vẫn cần tìm ra con đường mà folic acid giảm nhẹ nguy cơ tự kỷ do dùng thuốc điều trị bệnh, thuốc trừ sâu hoặc ô nhiễm không khí, nếu thực sự các yếu tố này gây hậu quả về mặt sinh học.

Gợi ý điều trị

Nghiên cứu về phân tử miễn dịch nhấn mạnh vào một cơ chế có khả năng áp dụng. Ở đây, các nhà khoa học kiểm tra mẫu máu của 82 trẻ tự kỷ và 52 trẻ đối chứng để tìm ra kháng thể phản ứng với một thụ thể folate. Một số kháng thể này ngăn cản sự truyền dẫn folic acid qua nhau thai hoặc từ máu lên não. Kết quả là họ phát hiện ra 62 trẻ tự kỷ dương tính với những kháng thể này, so với 15 trẻ đối chứng.

Có tới 75% cha mẹ và anh chị em ruột của người tự kỷ cũng mang trong người các kháng thể này. (Tuy nhiên các nhà nghiên cứu không kiểm tra các gia đình đối chứng). Phát hiện này cho thấy các kháng thể đó là những yếu tố nguy cơ mang tính di truyền chứng tự kỷ. Phụ nữ mang thai tạo ra những kháng thể này có thể giảm nguy cơ sinh con tự kỷ bằng cách bổ sung folinic acid hoặc các dạng khác của folate truyền được vào dạ con hoặc lên não qua một cơ chế khác.

Dưỡng chất bổ sung cũng có lợi cho những trẻ tự kỷ mang các kháng thể này. Trong một thử nghiệm lâm sàng, các nhà nghiên cứu chọn ngẫu nhiên 23 trẻ tự kỷ dạng không nói chuyện và cho các bé uống folinic acid đều đặn hàng ngày trong vòng 12 tuần, và 25 trẻ tự kỷ dạng không nói chuyện uống thuốc trấn an ( một loại thuốc giả được bào chế sao cho không có tác dụng sinh lí đến căn bệnh, nhưng đồng thời cũng không làm hại đến sức khỏe bệnh nhân, được coi một liệu pháp tâm lý).

Qua các bài kiểm tra chuẩn hóa, kết quả cho thấy những bé uống folinic acid có chuyển biến tích cực hơn về giao tiếp bằng lời nói so với các bé uống thuốc trấn an. Chuyển biến này rõ rệt nhất ở những trẻ dương tính với các kháng thể thụ quan folate.

Bà Kristen Lyall - Phó giáo sư thuộc Viện nghiên cứu bệnh tự kỉ A.J.Drexel, bang Philadelphia, Mĩ - nhận định "những nghiên cứu này rất có giá trị, các kết quả nghiên cứu cho thấy con người hoàn toàn có thể điều chỉnh rủi ro sinh con tự kỷ, ngay cả khi họ có nguy cơ cao". Tựu chung lại các nghiên cứu đều củng cố thêm lời khuyên của các chuyên gia hiện nay là phụ nữ mang thai hoặc có kế hoạch mang thai nên bổ sung folic acid và cần tuân thủ đúng liều lượng được kê đơn vì hấp thụ quá nhiều folate cũng có thể gây hại.

Đối với việc cho trẻ tự kỷ uống folinic acid để cải thiện tình hình sức khỏe thì giáo sư tâm lý học nhi khoa Jeremy Veenstra-Vander Weele của Trường Đại học Columbia, Mĩ cho rằng đến nay vẫn chưa đủ bằng chứng khẳng định là có tác dụng hay không, nhưng chúng ta hoàn toàn có hi vọng ở kết luận của những nghiên cứu tiếp theo.

Phạm Hường (Theo Washingtonpost)