1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Bộ Khoa học và Công nghệ nói gì về việc thanh tra thường xuyên nhưng không phát hiện được xăng giả?

(Dân trí) - Trong buổi họp báo Quý II của Bộ Khoa học và Công nghệ diễn ra ngày 18/7, một trong những vấn đề được báo chí đặt ra: Hàng năm Bộ vẫn làm công tác thanh tra, kiểm tra đối với lĩnh vực đo lường và xăng dầu nhưng lại không phát hiện được xăng giả? Nguyên nhân ở đây là gì?

Bộ Khoa học và Công nghệ nói gì về việc thanh tra thường xuyên nhưng không phát hiện được xăng giả? - 1

Toàn cảnh buổi họp báo quý II của Bộ KH&CN

Rất khó phát hiện các hành vi tinh vi nếu thanh tra hành chính

Giải đáp câu hỏi này, ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đo lường (Bộ KH&CN) cho biết: Thanh tra, kiểm tra về chất lượng xăng dầu là công việc thường xuyên Tổng cục và qua thanh tra, kiểm tra cũng đã phát hiện ra rất nhiều sai phạm. Liên quan đến vụ việc xăng giả ở Đắk Nông và Sóc Trăng thì đây là nỗ lực rất lớn của ngành công an phối hợp với ngành khoa học công nghệ, ngành công thương. Bản chất gốc dễ của vấn đề này xuất phát từ ngành khoa học công nghệ, qua thanh tra, kiểm tra thì cũng đã phát hiện ra các hành vi vi phạm tinh vi trong việc gian lận chất lượng xăng dầu, cũng như trong lĩnh vực đo lường. Tuy nhiên vì hết sức là tinh vi, hành vi vi phạm diễn ra bất kì vào thời điểm nào, do vậy Bộ KH&CN chỉ đạo cho Tổng cục Đo lường phối hợp với Ban chỉ đạo 389 (Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả - PV) để thông tin thường xuyên, cũng như tìm hiểu và phối hợp điều tra để xác định các hành vi vi phạm.

Bộ Khoa học và Công nghệ nói gì về việc thanh tra thường xuyên nhưng không phát hiện được xăng giả? - 2

ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đo lường (Bộ KH&CN).

“Xuất phát từ đề xuất của ngành khoa học công nghệ trong các dấu hiệu vi phạm thì ngành công an đã kiểm tra xuyên suốt trong một năm qua thì mới ra được kết quả. Quá trình điều tra là “mật” và chúng tôi vẫn âm thầm phối hợp chặt chẽ với ngành công an thử nghiệm hàng chục mẫu xăng dầu, chất lượng xăng dầu”, ông Linh thông tin.

Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cũng chia sẻ thêm, có thể những cái người ra bày ra trước mặt cửa hàng sẽ là hàng tốt, cái người ra giấu đi ở chỗ khác thì phải bằng nghiệp vụ của cơ quan điều tra thì mới phát hiện ra là hàng không tốt. Nội dung của cơ quan hành chính nhà nước đi thanh, kiểm tra thì phải công khai, không gây phiền hà cho doanh nghiệp. Chính vì thế, nếu chỉ thanh tra hành chính không thì rất khó phát hiện ra được các hành vi gian lận tinh vi.

Bộ Khoa học chưa minh bạch công khai kết quả xử lý sai phạm

Trước đó, trả lời báo chí liên quan đến thanh tra xăng dầu năm 2018, ông Trương Hồng Dương - Chánh Thanh tra Bộ KH&CN cho biết, chỉ có 50 địa phương triển khai với các nội dung thanh tra chấp hành quy định pháp luật về đo lường chất lượng trong kinh doanh xăng dầu và sử dụng mã số mã vạch.

Theo đó, có 2.723 cơ sở được thanh tra, trong đó, 2.301 cơ sở kinh doanh xăng dầu; 422 sử dụng mã số mã vạch. Qua thanh tra, phát hiện 149 cơ sở vi phạm, trong đó 113 cơ sở kinh doanh xăng dầu và 36 cơ sở sử dụng mã số mã vạch; xử phạt hành chính gần 6,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên tại buổi họp báo, khi các phóng viên đề nghị được cung cấp kết quả tổng hợp của cuộc thanh tra chuyên đề trên diện rộng này thì lại không được đáp ứng. 

Bộ Khoa học và Công nghệ nói gì về việc thanh tra thường xuyên nhưng không phát hiện được xăng giả? - 3

Ông Trương Hồng Dương - Chánh Thanh tra Bộ KH&CN.

Ông Dương cho hay, thanh tra chuyên đề xuất phát từ những thực tế “nóng” trên thị trường. Theo chỉ đạo của Trưởng ban chỉ đạo 389 quốc gia, xuất phát từ nhu cầu cung cấp thông tin của các Sở, địa phương, chính kiến của ngành khoa học công nghệ thì hình thành thanh tra chuyên đề. Năm 2018, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thanh tra trên diện rộng trên phạm vi toàn quốc. Vai trò của Bộ KH&CN là xây dựng đề cương gửi UBND các tỉnh, đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai kế hoạch thanh tra chuyên đề này. Kết quả là đã có các báo cáo rất đầy đủ và cũng phát hiện nhiều cơ sở có xăng dầu kém chất lượng. Vai trò chủ yếu trong thanh tra chuyên đề trên địa bàn chủ yếu là do địa phương quyết định. Giám đốc Sở KH&CN các tỉnh quyết định đối tượng thanh tra trên địa bàn báo cáo UBND tỉnh.

Cũng theo ông Hồng Dương, dưới góc độ quản lý nhà nước thì xăng dầu nhập vào nước ta được Tổng cục Đo lường kiểm tra đạt 100% đều tốt. Sản xuất chế biến ở các doanh nghiệp lớn cũng 100% là tốt. Xăng chất lượng không tốt chỉ xảy ra ở các điểm bán lẻ, sản xuất, chế biến không đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, đến thời điểm hiện tại, Bộ KH&CN vẫn chưa công bố danh sách 149 cơ sở vi phạm, trong đó 113 cơ sở kinh doanh xăng dầu và 36 cơ sở sử dụng mã số mã vạch để dư luận được biết. 

Nguyễn Hùng