Bộ Khoa học thừa nhận hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học còn chưa cao
(Dân trí) - Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ KH&CN lần thứ XXIII nhiệm kỳ 2020-2025, Bộ KH&CN thừa nhận vẫn còn những tồn tại hạn chế, yếu kém trong đó có việc hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học còn chưa cao.
Tại Đại hội, báo cáo hoạt động giai đoạn 2015-2020, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lê Xuân Định cho hay, điểm đặc biệt ở nhiệm kỳ này Chính phủ đã bổ sung chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động đổi mới sáng tạo cho Bộ Khoa học và Công nghệ.
Theo báo cáo thì nhiệm kỳ qua tình hình quốc tế, khu vực diễn biến phức tạp với sự cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nền kinh tế số mang lại nhiều cơ hội cùng với không ít khó khăn và thách thức cho đất nước ta trong tiến trình hội nhập và phát triển. KH&CN phát triển nhanh và có tác động mạnh mẽ đến các mặt kinh tế, văn hóa và xã hội trên toàn thế giới.
Độ mở của nền kinh tế lớn vừa tạo điều kiện thuận lợi cho đất nước ta tiếp nhận nguồn vốn đầu tư nước ngoài, cập nhật nhanh chóng các xu hướng công nghệ tiên tiến của thế giới nhưng cũng khiến nền kinh tế phải chịu nhiều tác động và ảnh hưởng của chiến tranh thương mại, của sự bảo hộ thương mại giữa các quốc gia. Các khó khăn do thiên tai, sự cố môi trường, dịch bệnh mà gần đây nhất là dịch Covid-19 càng đòi hỏi đất nước ta phải quyết liệt đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST).
Mặc dù gặp khó khăn, thách thức nêu trên, nhìn lại 5 năm qua, KH&CN đã có những đóng góp quan trọng, toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động được nâng lên rõ rệt, chỉ số TFP tăng từ 33,6% giai đoạn 2011-2015 lên 44,46% giai đoạn 2016-2019, tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 50% năm 2020.
Tiềm lực nghiên cứu và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao thông qua số lượng các bài báo khoa học, công trình công bố quốc tế tăng trưởng nhanh, trung bình trên 20%/năm. Hiện cả nước có gần 67.000 cán bộ nghiên cứu và phát triển quy đổi tương đương toàn thời gian – TFP (đạt 7 người/vạn dân)...
Những đóng góp của KHCN còn thể hiện qua chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam liên tục tăng. Năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng 2 bậc, năm 2019 tăng tiếp 3 bậc, xếp thứ 42 trên 129 quốc gia, đưa Việt Nam vươn lên dẫn đầu nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và đứng thứ 3 ASEAN.
Tuy nhiên Bộ KH&CN cũng thừa nhận, trong nhiệm kỳ qua, KH,CN&ĐMST chưa thực sự trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trình độ KH&CN của quốc gia còn khoảng cách so với nhóm đầu khu vực ASEAN. Hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng còn chưa cao. Năng lực nghiên cứu ứng dụng của các viện nghiên cứu, trường đại học còn khiêm tốn, việc chuyển giao kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống còn gặp nhiều khó khăn.
Năng lực hấp thụ, đổi mới công nghệ, năng lực ĐMST của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế, vẫn còn sử dụng nhiều công nghệ lạc hậu. Mối liên kết viện, trường, doanh nghiệp và thị trường còn yếu.
Chính sách thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo chưa theo kịp tình hình phát triển; xã hội hóa đầu tư cho KH,CN&ĐMST còn nhiều trở ngại. Số lượng và chất lượng cán bộ khoa học chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Cơ chế đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ KH&CN dù đã được quan tâm cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ còn thiếu và chưa đồng bộ.
Theo Bộ KH&CN, bài học để khắc phục những hạn chế này đó chính là phải phát huy nội lực; tranh thủ, thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực bên ngoài để phát triển KH,CN&ĐMST, đóng góp hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc. Coi giáo dục đào tạo, KH,CN&ĐMST là nền tảng quan trọng, là động lực chủ yếu cho phát triển đất nước. Phát huy tinh thần chủ động, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST.
Xác định nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh quốc gia
Theo đánh giá của Bộ KH&CN, trên thế giới, tình hình sẽ tiếp tục diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục là xu thế tiến triển nhưng gặp nhiều trở ngại, thách thức. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang lại cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia - dân tộc.
Cạnh tranh chiến lược, chiến tranh thương mại, tranh giành các nguồn tài nguyên, thị trường, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các nước ngày càng quyết liệt. Các nước đang phát triển đứng trước nhiều thách thức mới. KH,CN&ĐMST và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, tác động sâu rộng, đa chiều trên phạm vi toàn cầu.
KH,CN&ĐMST ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Công nghệ số sẽ làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế số, xã hội số, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội.
Ở trong nước, sau 35 năm đổi mới, thế và lực của đất nước, sức mạnh tổng hợp của quốc gia, uy tín quốc tế của và vị thế của Việt Nam ngày càng được khẳng định và nâng cao trên trường quốc tế; sự đoàn kết, thống nhất của hệ thống chính trị của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tạo nên sức mạnh tổng hợp quốc gia, tiếp tục được khẳng định và ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta phát triển chưa bền vững; nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình; những đòi hỏi mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hệ lụy của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, tình hình biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường là những thách thức lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển đất nước trong thời gian tới.
Đặc biệt, từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp và tiêu cực đến nước ta, gây tổn hại nghiêm trọng ở nhiều ngành kinh tế. Trước tình hình trên, phát triển KH,CN&ĐMST được coi là nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh quốc gia; là yếu tố thúc đẩy phát triển nhanh, ổn định và bền vững đất nước.
Chính vì thế, định hướng lớn giai đoạn 2020-2025 của Bộ KH&CN đó là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển KH,CN&ĐMST của đất nước. Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, hiện đại hóa đất nước dựa chủ yếu trên nền tảng KH,CN&ĐMST, nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Phát triển mạnh KH,CN&ĐMST, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; thúc đẩy phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số, trong đó chú trọng tháo gỡ các rào cản về hệ thống luật pháp và chính sách kinh tế, tài chính đối với hoạt động KH,CN&ĐMST.
Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để KH,CN&ĐMST đáp ứng yêu cầu thực sự là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, tạo bứt phá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, có lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng.