Bộ Khoa học họp bàn về nghiên cứu và sản xuất vắc xin phòng Covid-19

(Dân trí) - Chiều 4/5, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức buổi họp với các nhà sản xuất vắc xin và thuốc sinh học ở Việt Nam về việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng chống dịch Covid–19.

Cuộc họp nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, các Bộ, ngành tổ chức, doanh nghiệp tổ chức nghiên cứu và sản xuất vắc xin phòng Covid-19. Tham dự cuộc họp có các nhà sản xuất vắc xin và thuốc sinh học ở Việt Nam như Công ty vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Trung tâm nghiên cứu, sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (Polyvac), Viện vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC), Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược Nanogen và các chuyên gia, các viện nghiên cứu, trường đại học...

Bộ Khoa học họp bàn về nghiên cứu và sản xuất vắc xin phòng Covid-19 - 1

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc. 

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho hay,  Việt Nam cũng đã từng sản xuất được nhiều loại vắc xin, nếu nhìn trên bản đồ sản xuất vắc xin trên thế giới thì chắc chắn sẽ có Việt Nam. Tuy nhiên, việc sản xuất vắc xin là rất khó và cần có sự đầu tư lớn. Có nhiều loại vắc xin được nghiên cứu hàng chục năm mà đến nay vẫn chưa thành công.

Thứ trưởng Tạc cũng cho rằng, nếu làm được vắc xin thì một mình viện nghiên cứu không làm được mà bắt buộc phải có sự tham gia của các doanh nghiệp. Cuộc họp này nhằm xem xét các hướng nghiên cứu vắc xin Covid-19 của các công ty để cùng nhau đánh giá, hợp tác, đến lúc cần phải hợp sức các bên.

“Thời điểm khó khăn thì cần sự đóng góp của các nhà khoa học để giải quyết các bài toán lớn”, Thứ trưởng Tạc nói.

Là đơn vị của Việt Nam bước đầu thành công trong việc nghiên cứu dự tuyển vắc-xin và tiêm thử nghiệm trên chuột, TS Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Vaccine và sinh phẩm số 1 Vabiotech (Bộ Y tế) khẳng định, việc sản xuất vắc xin Covid-19 là mới và khó. Mới vì chưa từng có vắc xin corona nào được thương mại hóa nên chưa có công nghệ. Khó vì Covid-19 còn nhiều yếu tố miễn dịch chưa có câu trả lời, trong khi bản chất của vắc xin là miễn dịch.  

TS Đạt cũng cho rằng, thế giới đang bước vào cuộc đua phát triển vắc xin Covid-19. Tuy nhiên đối vắc xin cho đại dịch thì cần phải nhanh, nhiều và rẻ nên đây là một thách thức với các nhà sản xuất. Vì vậy việc phối hợp là cần thiết, không phải một đơn vị có thể sản xuất được. Việt Nam cần có nhiều nhà công nghệ cùng tham gia để lựa chọn công nghệ tối ưu.  

Cũng theo TS Đạt, để thương mại hóa được vắc xin thì sau khi nghiên cứu thành công còn nhiều bước phải làm. Trong đó các thí nghiệm trên động vật, trên người, đánh giá an toàn... là cần thiết và bắt buộc. Chính vì vậy cần đòi hỏi các đơn vị chức năng cùng tham gia thực hiện.

Chẳng hạn như việc xây dựng được mô hình đánh giá thí nghiệm trên động vật (khỉ đang là lựa chọn tối ưu khi nhiều quốc gia thử nghiệm thành công trên khỉ là triển khai luôn trên người), trên người, hồ sơ cấp phép... Chính vì thế, Bộ Khoa học và Công nghệ cần hỗ trợ từ khâu nghiên cứu cơ bản, các đánh giá trong phòng thí nghiệm và trên động vật, nâng quy trình tốt nhất để sản xuất với số lượng lớn nhằm phát triển vắc xin Covid-19 đáp ứng yêu cầu thực tế.  

“Phải có cơ quan có chức năng tham gia và chuẩn bị trước chứ không phải đợi đến khi có vắc xin mới bắt đầu thực hiện các công việc này. Chúng ta cần xây dựng nền tảng để có hướng tiếp cận tốt không chỉ đại dịch lần này mà còn hướng tới các đại dịch tiếp theo (nếu có)”, TS Đạt nói.

Bộ Khoa học họp bàn về nghiên cứu và sản xuất vắc xin phòng Covid-19 - 2

Quang cảnh buổi họp.

Sau khi nghe các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc xin, thuốc sinh học báo cáo kế hoạch nghiên cứu sản xuất, các đại biểu đều khẳng định vắc xin phòng Covid-19 là một vắc xin mới, rất khó, đặc biệt vấn đề đáp ứng miễn dịch của Covid-19 còn nhiều điểm chưa sáng tỏ.

Đến nay, trên Thế giới có khoảng 100 đơn vị nghiên cứu vắc xin covid-19 với nhiều công nghệ khác nhau trong đó 08 vắc xin đã và đang thử nghiệm lâm sàng trên người. Việc nghiên cứu sản xuất 01 loại vắc xin phải tuân thủ theo quy trình rất nghiêm ngặt, đòi hỏi chi phí rất tốn kém và thời gian kéo dài.

Các chuyên gia cũng cho biết, trong trường hợp đại dịch, có thể tiến hành song song một số giai đoạn nhằm rút ngắn thời gian nhưng vẫn phải đảm bảo tính an toàn cho người.

Để nghiên cứu và sản xuất vắc xin nói chung, đặc biệt là vắc xin covid-19 đòi hỏi có sự tham gia, phối hợp của nhiều tổ chức, đơn vị trong đó các doanh nghiệp và các đơn vị sản xuất vắc xin phải được ưu tiên là cơ quan chủ trì.

Nguyễn Hùng