Biến đổi khí hậu có thể làm mực nước biển dâng cao hơn nhiều so với dự đoán
(Dân trí) - Một nghiên cứu mới dựa trên các dữ liệu từ 125.000 năm trước dự đoán mực nước biển sẽ dâng lên 6,1m
Dựa trên các đầu mối về một thời kỳ nóng ấm trong cổ đại, các nhà khoa học cho rằng mực nước biển có thể sẽ dâng cao hơn nhiều so với dự đoán trước đây - khoảng 6m ở nhiều quốc gia, ngay cả khi các chính phủ có thể làm cho mức độ nóng lên toàn cầu vẫn giữ ở mức như hiện tại.
Mực nước biển đã dâng cao thêm khoảng 8cm trong vòng 100 năm qua, do băng tan từ khắp Greenland cho đến Nam Cực làm nước tràn vào các đại dương.
Nhiều nghiên cứu đã cho rằng, nhiệt độ tăng là một nguyên nhân khiến băng tan nhanh hơn.
Tuy nhiên, một nghiên cứu công bố trên tạp chí Science cho rằng nhiệt độ nước biển trong thời kỳ nóng bức tự nhiên khoảng 125.000 năm trước cũng “không khác gì” so với hiện nay, chứ đừng nói là cao hơn đến 2 độ C như các suy nghĩ trước đây.
Nghiên cứu do Jeremy Hoffman công tác tại Đại học bang Oregon (Mỹ) cho rằng: “xu hướng này đáng lo ngại vì mực nước biển trong thời kỳ gian băng cuối cùng đã cao hơn 6-9m so với hiện nay”. Các chuyên gia đã nghiên cứu trầm tích dưới đáy biển có chứa các hóa chất là dấu hiệu của nhiệt độ ở 83 khu vực.
Các khu vực nghiên cứu trầm tích dưới đáy biển
Phải mất đến hàng thế kỷ hoặc hàng ngàn năm để nhiệt độ tăng lên có thể làm tan chảy các tảng băng lớn.
Giáo sư Andrew Watson, công tác tại Đại học Exeter (Anh) cho biết “Nghiên cứu này cho thấy rằng, về lâu dài, mực nước biển sẽ tăng lên ít nhất là 6m để phản ứng với sự nóng lên mà chúng ta đang gây ra. Tin tốt là nó sẽ tiếp tục tăng từ từ cho đến khi chúng ta có đủ thời gian để thích nghi, tuy nhiên tin xấu là đến thời điểm cuối cùng, tất cả các thành phố ven biển hiện tại của chúng ta sẽ chìm trong nước”.
Giáo sư Anders Levermann, công tác tại Viện nghiên cứu ảnh hưởng khí hậu Potsdam cho rằng, nghiên cứu này là một gợi ý về việc băng sẽ tan chảy ở nhiệt độ thấp hơn và nhanh hơn so với các suy đoán trước đây, “có nghĩa là, mực nước biển sẽ dâng lên nhanh hơn”. Ông cũng cho rằng vẫn có nhiều bất ổn khi đưa ra kết luận về tốc độ dâng lên của mực nước biển từ các dữ liệu nhiệt độ thời tiền sử.
Tổ chức khí tượng thế giới của Liên hợp quốc cho biết, nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu trong năm 2016 đã đạt mức cao kỷ lục cho năm thứ ba liên tiếp và cao hơn 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Anh Thư (Theo DM)