Biến đổi khí hậu có thể "đánh thức" các vi khuẩn cổ đại nguy hiểm

Trang Phạm

(Dân trí) - Biến đổi khí hậu đang khiến nhiều người lo ngại sẽ đánh thức các vi khuẩn cổ đại đang bị "nhốt" trong lớp băng vĩnh cửu hàng nghìn năm ở Bắc Cực

Biến đổi khí hậu có thể đánh thức các vi khuẩn cổ đại nguy hiểm - 1

Bắc Cực đang ấm lên nhanh gấp đôi so với phần còn lại của thế giới do biến đổi khí hậu. Với nhiệt độ tăng cao này, phần lớn băng, sông băng và lớp băng vĩnh cửu đứng trước nguy cơ đang tan băng.

Giống như hầu hết các loại nước trên Trái đất, nước đóng băng được biết đến là nơi chứa đựng một lượng đa dạng sinh học vi sinh vật đáng kinh ngạc, từ virus, vi khuẩn đến nấm và tảo.

Vì có tới 25% bề mặt đất của Trái đất nằm dưới lớp băng vĩnh cửu, nhiều loài trong số này sẽ chưa được biết đến đối với sự hiểu biết của con người.

Đầu năm nay, các nhà khoa học đã công bố kết quả sơ bộ xem xét các virus cổ đại bị mắc kẹt bên trong các mẫu lấy từ băng 15.000 năm tuổi từ chỏm băng Guliya trên Cao nguyên Tây Bắc Tây Tạng ở châu Á. Việc phân tích các mẫu lõi băng cho thấy hơn 30 nhóm virus, 28 trong số đó khoa học chưa từng biết đến.

Có thể hiểu điều này đã đặt ra câu hỏi về việc liệu các bệnh truyền nhiễm có thể xuất hiện hoặc bùng phát trở lại từ lớp băng vĩnh cửu và băng tan.

Bán đảo Yamal nằm sâu trong Siberia nổi tiếng với những đợt bùng phát bệnh than tái diễn vào đầu thế kỷ XX, dẫn đến sự lây nhiễm được gọi là "bệnh Yamal". Tuy nhiên, những đợt bùng phát lớn đã trở thành dĩ vãng nhờ vào việc tiêm phòng cho hươu và hiểu rõ hơn về căn bệnh này.

Nhưng sau đó, vào năm 2016, một đợt bùng phát lại xuất hiện khiến hàng chục người đổ bệnh vì nhiễm vi khuẩn và giết chết ít nhất một cậu bé.

Các quan chức tranh cãi rằng một đợt nắng nóng đã làm tan chảy lớp băng vĩnh cửu trong khu vực và phơi bày xác tuần lộc bị nhiễm bệnh ở vùng lãnh nguyên Siberia, dẫn đến các thông tin giật gân về "bệnh dịch hạch ở Siberia" hồi sinh do biến đổi khí hậu.

Trong khi các nhà khoa học đã cố gắng dập tắt những nỗi sợ hãi đó bằng cách cho rằng vụ bùng phát rất có thể liên quan đến sự gia tăng dân số trong khu vực và sự sụt giảm tiêm phòng cho hươu, nhưng nó khơi dậy cuộc tranh luận về việc liệu những vi khuẩn đã mất tích lâu có thể quay lại lây nhiễm sang người một lần nữa hay không.

Những thập kỷ gần đây, cũng chứng kiến nỗi lo sợ gia tăng liên quan đến những thi thể bị chôn vùi trong băng vĩnh cửu là những người đã chết trong các trận đại dịch trước đó có thể quay trở lại ám ảnh nhân loại.

Quay trở lại những năm 1950, các nhà khoa học đã phát hiện ra thi thể của một phụ nữ chết trong trận đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, bị chôn vùi trong lớp băng vĩnh cửu ở Alaska. Đến năm 1997, các nhà khoa học thậm chí đã tìm cách khôi phục đủ RNA virus để giải trình tự toàn bộ chủng H1N1 năm 1918. Một số người cũng đưa ra những lo lắng tương tự về cơ thể rã đông của những người chết vì bệnh đậu mùa, một căn bệnh đã được xóa sổ.

Tất nhiên, không có gì đảm bảo rằng bất kỳ vi khuẩn hồi sinh nào cũng có thể lây nhiễm sang người hoặc bất kỳ động vật có vú nào khác.

Quay trở lại năm 2015, các nhà khoa học Pháp đã tìm thấy một loại virus khổng lồ 30.000 năm tuổi, có tên Mollivirus sibericum, trong lớp băng vĩnh cửu đang tan băng ở xa phía đông bắc Siberia và đã tìm cách hồi sinh nó trở lại, thậm chí khiến nó lây nhiễm amip. Điều này đã làm dấy lên một lượng lớn các phương tiện truyền thông cường điệu. Nhiều người chỉ ra rằng lo ngại virus này có thể lây nhiễm sang người đã bị thổi phồng quá mức, vì nó chỉ được chứng minh là lây nhiễm amip.

Ngoài những lo ngại về việc virus cổ đại sống lại có thể lây nhiễm sang người và các loài động vật có vú khác, còn có mối đe dọa chắc chắn hơn nhiều là sự tan băng của lớp băng vĩnh cửu và sự sống của vi sinh vật.

Như nhiều nghiên cứu đã nhấn mạnh trong những thập kỷ gần đây, câu hỏi không chỉ là biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến các vi sinh vật này như thế nào, mà là làm thế nào những dạng sống mới hồi sinh này có thể ảnh hưởng đến khí hậu.

Khi hàng triệu vi sinh vật này sống lại, chúng sẽ bắt đầu hô hấp một lần nữa, giải phóng một lượng lớn carbon dioxide và methane vào bầu khí quyển. Việc dự đoán điều này có thể ảnh hưởng như thế nào đến khí quyển và khí hậu của hành tinh là vô cùng phức tạp, nhưng rõ ràng là lớp băng vĩnh cửu tan băng đã giải phóng một lượng đáng kể khí nhà kính. Điều này về mặt lý thuyết sẽ làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng khí hậu của Trái đất và dẫn đến lớp băng vĩnh cửu tan chảy nhiều hơn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm