1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Bí ẩn loại nấm chết người đằng sau lời nguyền Tutankhamun

Nam Đoàn

(Dân trí) - Loại nấm này cũng là nguyên nhân có thể dẫn đến cái chết của ba nhà nghiên cứu vài ngày sau khi mở lăng mộ của Vua Casimir IV Jagiellon.

Các nhà khoa học đã làm sáng tỏ sự liên quan giữa loại nấm độc gây chết người trong ngôi mộ của Vua Ba Lan, Casimir IV Jagiellon và sự liên kết với lời nguyền của Pharaoh Ai Cập Tutankhamun.

Cái chết bí ẩn 

Năm 1922, khi nhà khảo cổ, Ai Cập học người Anh, Howard Carter và nhóm của ông phát hiện ra ngôi mộ của vua Tutankhamun, nó đã tạo nên một sự quan tâm lớn của dư luận.

Huyền thoại về lời nguyền được đồn đoán trong quá trình phát hiện ra lăng mộ của vị vua trẻ này. Vào thời điểm đó, nhà khoa học Howard Carter đã cùng với nhà khảo cổ học người Anh, Lord Carnarvon khai quật "Thung lũng các vị Vua". 

Trước lối vào lăng mộ, có một dòng chữ khắc trên đá: "Ta là người đàn áp những tên trộm mộ nhờ ngọn lửa sa mạc. Ta là người bảo vệ lăng mộ của vua Tutankhamun".

Trên một tấm đất nung được tìm thấy trong một căn phòng, nơi chứa đựng cỗ quan tài, còn xuất hiện dòng chữ "cái chết sẽ chạm đôi cánh của nó vào bất cứ ai làm xáo trộn hòa bình của pharaoh".

Bí ẩn loại nấm chết người đằng sau lời nguyền Tutankhamun - 1
Lăng mộ của vua Tutankhamun ở Ai Cập (Ảnh: National Geographic).

Trên thực tế, hai dòng chữ khắc này có thể được sử dụng như một lời đe dọa những tên trộm.

Nhưng cũng phải thừa nhận, những sự thật kỳ lạ và cái chết bí ẩn đã xảy ra. Trở lại tháng 11/1922 ngay cả trước khi Carter mở nắp quan tài, giống như một điềm xấu đã xuất hiện, con chim hoàng yến may mắn của các nhà khảo cổ đã chết...  Đặc biệt, nó bị nuốt chửng bởi một con rắn hổ mang - được coi là con vật tổ của các pharaoh Ai Cập.

Giữa tháng 3/1923, Lord Carnarvon qua đời vì nhiễm trùng huyết chết người. Sau sự kiện này, báo chí tiếp tục đồn đoán thêm về những cái chết, theo những gì được nói vào thời điểm đó, liên quan đến lời nguyền của vua Tutankhamun. 

Sau đó là đến cái chết đột ngột của hai nhà Ai Cập học đã đến thăm lăng mộ và anh trai, y tá của nhà khảo cổ học Lord Carnarvon và thư ký của Howard Carter cũng qua đời.

Một câu hỏi được đặt ra lúc bấy giờ là cái chết của nhà khảo cổ này liệu có liên quan trực tiếp đến ngôi mộ.

Bí ẩn loại nấm chết người đằng sau lời nguyền Tutankhamun - 2
Nhà khoa học Howard Carter đang khai quật hài cốt của vị vua trẻ Tutankhamun (Ảnh: National Geographic).

Vào thời điểm Lord Carnarvon qua đời, Howard Carter đã tiến hành nghiên cứu để cố gắng hiểu điều gì đã giết chết đồng nghiệp của mình và cố gắng xoa dịu huyền thoại về lời nguyền.

Nguyên nhân khoa học đưa ra có thể là do mầm bệnh độc hại mà những người tiếp xúc với lăng mộ sẽ hít phải.

Vào tháng 3/1939, Howard Carter qua đời (thọ 63 tuổi) do ung thư hạch, 17 năm sau khi ngôi mộ mở ra.

Thậm chí ngày nay, việc phát hiện ra lăng mộ của Tutankhamun và huyền thoại về lời nguyền bao quanh nó khiến các nhà khảo cổ học hiện đại cảnh giác hơn nhiều về các vấn đề sức khỏe khi nghiên cứu ngôi mộ.

Nấm độc chết người

Casimir IV là vị vua của Ba Lan. Ông sinh năm 1427 và mất vào năm 1492. Không ai thực sự biết lý do cái chết của ông và thậm chí ngày nay nó vẫn là một bí ẩn và nó liên quan đến một hiện tượng kỳ lạ.

Ngay sau khi ông qua đời, cơ thể ông bắt đầu phân hủy rất nhanh trong khi vào thời điểm đó, các bác sĩ đã cố gắng làm mọi cách để bảo tồn cơ thể của vị vua này một cách tốt nhất.

Cuối cùng, xác chết của ông được đặt trong một chiếc quan tài bằng gỗ ở Nhà thờ Wawel (miền Nam Ba Lan). Đầu những năm 1970, một nhóm các nhà khảo cổ một lần nữa quan tâm đến cái chết bí ẩn và sự phân hủy xác của ông. Chính phủ Ba Lan chấp nhận rằng thi thể được khai quật cho mục đích nghiên cứu. 

Ngày 13/4/1973, quan tài Casimir IV 500 năm tuổi được mở ra, nó đã mục nát và chỉ còn lại một phần bộ xương của nhà vua bên trong.

Bí ẩn loại nấm chết người đằng sau lời nguyền Tutankhamun - 3

Vài ngày sau khi mở quan tài, 3 nhà khảo cổ đã chết mà không ai có thể xác định được. Trong những tháng tiếp theo, khoảng 15 nhà khoa học đã tham gia khai quật và nghiên cứu bắt đầu bị ốm. Một thời gian sau, họ cũng qua đời.

Người ta nhanh chóng nói rằng ngôi mộ đã bị nguyền rủa và không ai nên mở nó ra.

Năm 1999, một nhà vi sinh vật học người Đức đã kiểm tra phần còn lại của xác ướp cũ và tìm thấy nhiều loại bào tử nấm mốc trên chúng và bên trong, có thể gây nguy hiểm tiềm tàng cho sức khỏe con người khi hít vào.

Đó là loại nấm gây bệnh, hoại sinh được gọi là Aspergillus Flavus. Chúng lây nhiễm cho động vật và gây dị ứng, hen suyễn và các vấn đề hô hấp khác ở người khỏe mạnh, nhưng nếu chúng xâm nhập vào cơ thể của một người có khả năng khiến hệ miễn dịch bị suy yếu, dẫn đến tử vong.

Sáng tỏ lời nguyền

Các nhà nghiên cứu cho biết, loài nấm Aspergillus Flavus phát hiện trong quan tài của Vua Casimir tồn tại và phát triển trên ngũ cốc và lúa mì. 

Đáng chú ý, khi khai quật lăng mộ của vua Tutankhamun, ở đây đã dự trữ rất nhiều loại lương thực này, chúng tượng trưng cho thức ăn của vua cho kiếp sau.

Các nhà khoa học đã đưa ra khả năng rằng, loại nấm giết người này có trong lăng mộ của vua Tutankhamun, có thể là nguyên nhân dẫn đến cái chết của những người đã mở cửa lăng mộ và nhóm nguyên cứu sẽ tiếp tục phân tích để chứng minh điều này.