1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Bí ẩn khu vực được coi là "địa ngục trần gian" trên Trái Đất?

Nam Đoàn

(Dân trí) - Khu vực núi lửa Dallol ở đất nước Ethiopia được gọi là nơi vô hồn, dù ở đây có sự hiện diện của nước, nhưng không có sự sống nào tồn tại, kể cả những vi sinh vật.

Bí ẩn khu vực được coi là địa ngục trần gian trên Trái Đất? - 1

Khu vực núi lửa Dallol được coi là "địa ngục trần gian" trên Trái Đất (Ảnh: Science et Avenir).

Nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế Pháp và Tây Ban Nha đã đến khu vực núi lửa Dallol để làm rõ điều này và họ đã có những phát hiện bất ngờ.

Khám phá của họ đánh giá như một cuộc cách mạng, lần đầu tiên trên Trái Đất, con người tìm thấy một nơi có nước mà không có sự sống.

Nhà khoa học Ramses Ramirez, Viện Khoa học Trái Đất và Sự sống Tokyo (Nhật Bản) cho biết: "Sự hiện diện của nước lỏng không phải là một tiêu chí đủ để xác định nơi đó có thể sinh sống được, mặc dù nước rất cần thiết". 

Cho đến nay, trừ khu vực Dallol, những nơi khắc nghiệt nhất trên Trái Đất được khoa học biết đến đều có sự sống.

Và phát hiện này đã đi ngược quan điểm hầu hết của các nhà khoa học: ở đâu có nước ở đó có sự sống.

Dallol giống như một địa ngục trần gian, nó nằm ở độ sâu 124m dưới mực nước biển, thấp nhất trên thế giới và nhiệt độ ở đây rất nóng, mùa Đông thường xuyên trên 40⁰C.

Bên cạnh đó, nước ở đây rất mặn, vượt quá 100⁰C và độ axit đôi khi có giá trị âm (nồng độ pH âm 1,6).

Song nước không phải là mối nguy hiểm duy nhất ở đây, khí độc phát ra từ núi lửa Dallol thường xuyên gây chết các loài chim bay qua. 

Felipe Gómez Gómez, Trung tâm Sinh học Thiên văn Madrid (Tây Ban Nha) miêu tả: "Đây là một địa ngục, nơi này rất khó tiếp cận và một khi bạn ở đó nhiệt độ quá lớn và khí độc sẽ đốt cháy cổ họng của bạn".

Phong cảnh hoành tráng

Song Dallol cũng làm mê hoặc các nhà khoa học vì cảnh quan hùng vĩ ở nơi đây.

Các chất bay hơi, muối và lưu huỳnh khiến đất ở đây xuất hiện "lông tơ" với đầy đủ màu sắc như: màu vàng, xanh lá cây, cam và các khoáng chất như oxit sắt lắng đọng trên bề mặt.

Trong giai đoạn Canh tân đến khoảng 30.000 năm trước, biển Đỏ đã làm ngập các vùng trũng xung quanh Dallol trước khi nước bốc hơi; để lại lớp vỏ muối và trầm tích dày tới 2km.

Hồ chứa magma của núi lửa nằm ngay bên dưới, được bao phủ bởi một "mái vòm" khoáng sản. 

Sự xâm nhập của nước ngọt khiến chúng chứa đầy khoáng chất và khí axit, dưới tác động của nhiệt, chúng nổi lên, đi qua lớp muối trước khi chảy ra ngoài.

Tuy nhiên, điều kiện nhiệt độ, độ mặn và độ axit này đủ để gây chết người và cho hầu hết mọi sinh vật tồn tại ở những nơi khác trên Trái Đất, chúng không thể thích nghi với điều kiện sống ở đây.

Đặc biệt, sự tăng axit này kết hợp tăng mặn sẽ khiến các hồ chứa cạnh núi lửa Dallol trở nên vô trùng, môi trường nước quá nóng, giàu magiê (một kim loại phá hủy các đại phân tử sinh học), cũng sẽ tiêu diệt bất kỳ sự sống nào khi chúng le lói xuất hiện. 

Nhiều nhà khoa học đã đến đây để tìm hiểu khu vực vô hồn này, mỗi nghiên cứu đều dạy chúng ta hiểu rõ hơn về giới hạn sự sống trên Trái Đất.

Và những kết quả sinh học này có thể làm tiền đề quan trọng để giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu các hành tinh khác trong Hệ Mặt Trời, cung cấp số liệu thống kê về khả năng sinh sống của các ngoại hành tinh.

Đặc biệt, khu vực núi lửa Dallol có thể được coi là một sân tập trên sao Hỏa: nguồn gốc hình thành của nó có nhiều điểm tương đồng với Hành tinh Đỏ trong quá khứ. 

Theo www.science-et-vie.com