Hố xanh sâu thứ 2 thế giới có thể mở "cửa sổ" về lịch sử Trái Đất

Nam Đoàn

(Dân trí) - Hố xanh sâu thứ hai trên thế giới đã được phát hiện ở Vịnh Chetumal, ngoài khơi bán đảo Yucatan, Mexico.

Hố xanh sâu thứ 2 thế giới có thể mở cửa sổ về lịch sử Trái Đất - 1

Hình ảnh hố xanh sâu thứ hai trên thế giới (Ảnh: Live Science).

Đây là một hang động khổng lồ dưới nước sâu khoảng 274m, trải rộng trên diện tích 13.660 mét vuông.

Con số này chỉ kém kỷ lục do hố xanh sâu nhất thế giới được phát hiện vào năm 2016 là Hố Rồng, nằm ở khu vực Biển Đông, nó sâu hơn 300m.

Hố xanh là những hang động lớn, thẳng đứng dưới đáy biển hoặc hố sụt được tìm thấy ở các vùng ven biển. 

Những khu vực này có sự đa dạng cao về thực vật và sinh vật biển, bao gồm san hô, rùa biển và cá mập. 

Hố ở Chetumal có tên là Taam Ja', trong tiếng Maya nghĩa là "nước sâu", nó có độ dốc gần 80 độ và miệng hang nằm dưới mực nước biển khoảng 4,6m. 

Các nhà khoa học từ Trung tâm nghiên cứu El Colegio de la Frontera Sur, thuộc Hội đồng Khoa học và Công nghệ Quốc gia Mexico lần đầu tiên phát hiện ra nó vào năm 2021. 

Các hố xanh hình thành khi nước biển gặp đá vôi, và các chất hóa học trong nước phản ứng với đá dẫn đến hiện tượng ăn mòn. 

Nhiều lỗ xanh trên thế giới có khả năng hình thành trong các kỷ băng hà trước đây, khi lũ lụt và nước rút liên tục ở các khu vực ven biển làm xói mòn đá và tạo ra các khoảng trống. 

Khi kỷ băng hà cuối cùng kết thúc vào khoảng 11.000 năm trước, mực nước biển dâng cao trở lại dẫn đến những hang động này chứa đầy nước và một số bị ngập hoàn toàn.

Hố xanh sâu thứ 2 thế giới có thể mở cửa sổ về lịch sử Trái Đất - 2

Bản đồ 3D hiển thị lỗ xanh sâu thứ hai trên thế giới (Ảnh: Live Science).

Vì hố xanh rất khó tiếp cận nên các nhà khoa học chưa nghiên cứu nhiều về chúng.

Môi trường bên trong nó chứa rất ít oxy và ánh sáng mặt trời chỉ chiếu trên bề mặt. 

Bất chấp những điều kiện này, những khoảng trống khổng lồ vẫn tràn ngập sự sống đã thích nghi với môi trường oxy thấp. 

Nhóm nghiên cứu hé lộ, các lỗ xanh có thể cung cấp một bức ảnh chụp nhanh về cuộc sống hàng ngàn năm trước, đồng thời khi không có nhiều oxy hoặc ánh sáng, hóa thạch có thể được bảo quản tốt, cho phép các nhà khoa học xác định phần còn lại của các loài đã tuyệt chủng.

Bên cạnh đó, hố xanh cũng có thể cung cấp cho các nhà khoa học biết thêm về sự sống trên các hành tinh khác. 

Vào năm 2012, các nhà nghiên cứu khi quan sát các lỗ xanh ở Bahamas, nằm trên vùng biển Caribe, họ đã tìm thấy vi khuẩn nằm sâu trong các hang động, nơi không có dạng sống nào khác trú ngụ.

Những phát hiện như vậy có thể đưa ra manh mối về sự sống có thể tồn tại trong những điều kiện khắc nghiệt ở những nơi khác trong Hệ Mặt Trời của chúng ta.

Theo www.livescience.com