1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Bí ẩn hành tinh phủ đầy kim cương trong hệ Mặt Trời

Minh Khôi

(Dân trí) - Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Astronomy hôm 4/1 đã mang đến cho chúng ta một phát hiện thú vị về Sao Thủy.

Bí ẩn hành tinh phủ đầy kim cương trong hệ Mặt Trời - 1

Sao Thủy là hành tinh nhỏ nhất trong Hệ Mặt Trời và cũng gần Mặt Trời nhất (Ảnh: Shutterstock).

Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Sun Yat-sen (Trung Quốc), Sao Thủy có thể đang che giấu một bí mật đầy bất ngờ, khi bề mặt của hành tinh này có thể phủ đầy kim cương và những dạng carbon khác.

Sở dĩ có thể đưa ra nhận định này là bởi dữ liệu được thu thập bởi tàu vũ trụ Messenger của NASA phát hiện thấy hành tinh này tồn tại một hàm lượng carbon lớn trên bề mặt, và chúng không hoàn toàn chỉ là than chì.

Như chúng ta đã biết, kim cương là một trong hai dạng thù hình được biết đến nhiều nhất của carbon, với dạng còn lại đó là than chì. Do đó, nếu như carbon trên bề mặt Sao Thủy không phải ở dạng than chì, thì rất có khả năng chúng chính là kim cương.

Nếu giả thuyết này được chứng minh, thì đây có thể là một trong những khám phá vũ trụ gây bất ngờ nhất trong năm 2024.

Theo bài báo được công bố trên tạp chí Nature Astronomy, carbon trên Sao Thủy có thể chủ yếu xuất hiện dưới dạng kim cương pha nano do tác động lâu dài của quá trình biến đổi chất, hoặc tồn tại dưới dạng carbon vô định hình do sự phong hóa không gian của than chì.

Điều đáng nói là cả 2 đều tạo ra những dạng kim cương độc đáo, mang lại giá trị cao cho nhiều ngành công nghiệp. Dẫu vậy, việc đặt chân tới Sao Thủy được xem là vô cùng khó khăn, vì đây là hành tinh gần Mặt Trời nhất trong 8 hành tinh thuộc Hệ Mặt Trời.

Điều này khiến bề mặt Sao Thủy trải qua sự biến đổi nhiệt độ lớn nhất trong số các hành tinh, thay đổi từ -173 ⁰C vào ban đêm, tới 427 ⁰C vào ban ngày.

Trên Sao Thủy còn có đặc điểm nổi bật là không có sự biến đổi thời tiết theo mùa như ở các hành tinh khác bởi vì nó gần như không có bầu khí quyển.

Chỉ có duy nhất 2 sứ mệnh chọn Sao Thủy là điểm đến, gồm Mariner 10 cất cánh từ năm 1974; và tàu Messenger, được phóng lên vào năm 2004.

Tàu Messenger đã quay quanh sao Thủy hơn 4.000 lần trong 4 năm. Tàu cạn kiệt nguồn nhiên liệu và rơi vào bề mặt hành tinh này vào ngày 30/4/2015.

Theo SCMP