Bẫy ảnh "săn" được nhiều động vật quý hiếm ở Vườn quốc gia Pù Mát

Nguyễn Phê

(Dân trí) - Vườn quốc gia Pù Mát đóng vai trò quan trọng trong chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam cũng như thế giới.

Vườn quốc gia (VQG) Pù Mát ở Nghệ An được thành lập vào năm 1995 với diện tích 94.715,4 ha, là khu rừng đặc dụng, đại diện cho hệ sinh thái rừng nhiệt đới và á nhiệt đới điển hình trên núi đất. Pù Mát được xác định là nơi có tính đa dạng sinh học rất cao. Trong đó, có rất nhiều loài nguy cấp, quý hiếm có giá trị bảo tồn cấp quốc gia và quốc tế.

Bẫy ảnh săn được nhiều động vật quý hiếm ở Vườn quốc gia Pù Mát - 1

Đàn voi tại Vườn quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông.

Đặc biệt, trong thế kỷ 20 các nhà khoa học đã ghi nhận 4 loài thú lớn mới tại Việt Nam thì cả 4 loài đều có mặt tại VQG Pù Mát. Cụ thể: Sao La (Pseudoryx nghetinhensis), Mang Lớn (Muntiacus vuquangensis), Mang Trường Sơn (Muntiacus truongsonensis), Thỏ Vằn (Nesolagus timminsi). Chính vì vậy, VQG Pù Mát đóng vai trò quan trọng trong chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam, cũng như thế giới.

Tuy nhiên, nguy cơ bị suy giảm bởi các hoạt động khai thác tài nguyên rừng bất hợp pháp, khu hệ động vật rừng đang bị suy giảm bởi hoạt động săn bắt của người dân. Đây được xem là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với tài nguyên đa dạng sinh học của VQG Pù Mát.

Sau đó chương trình "Ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và bảo tồn tài nguyên động vật hoang dã tại VQG Pù Mát" đã được triển khai.

Bẫy ảnh săn được nhiều động vật quý hiếm ở Vườn quốc gia Pù Mát - 2

Một cá thể khỉ sinh sống trong VQG Pù Mát.

Bằng các biện pháp như sử dụng máy bẫy ảnh điều tra, đánh giá động vật tại các vùng phân bố trọng điểm để cung cấp dữ liệu đa dạng sinh học tin cậy, làm cơ sở quảng bá, chứng minh tiềm năng của VQG Pù Mát.

Bên cạnh đó, người dân trong khu vực cũng được vận động để tham gia, đặc biệt tại những bản nằm ở vùng lõi VQG.  Đã có 61 người dân ở 6 bản thuộc 3 xã vùng đệm gồm: Môn Sơn, Châu Khê và Tam Quang đã hỗ trợ xác định tên tất cả các khe suối, đặt các hạt đậu thể hiện sự phân bố các loài động vật, cung cấp các thông tin làm cơ sở điều tra… từ đó số hóa xây dựng bản đồ cộng đồng về nơi phân bố trọng điểm các loài động vật tại VQG Pù Mát.

Bẫy ảnh săn được nhiều động vật quý hiếm ở Vườn quốc gia Pù Mát - 3

Đàn chim quý sinh sống, phát triển ở VQG Pù Mát.

Dựa vào bản kết quả xây dựng bản đồ phân bố động vật của cộng đồng, 72 lượt máy bẫy ảnh được đặt trong thời gian từ 65 - 92 ngày tại những khu vực trọng điểm. Kết quả qua đó ghi nhận được 45 loài động vật. Trong đó có 27 loài thú lớn, 18 loài chim. Đặc biệt, đã bổ sung cho danh lục chim của Vườn 3 loài mới đó là loài Cu luồng (Chalcophaps indica), Gà tiền mặt đỏ (Polyplectron germaini), Gà lôi hông tía (Lophura diardi).

Chuyên gia về thú lớn thuộc mạng lưới bảo tồn thiên nhiên quốc tế - ông Andrex Tilker đánh giá "Chỉ với 26 máy bẫy ảnh đặt 72 lượt trong rừng nhưng đã ghi nhận được nhiều loài quý hiếm hơn, số loài phong phú hơn kết quả đặt máy ảnh trong 2 năm ở phía Nam của dải Trường Sơn với số lượng máy, nhân lực lớn hơn rất nhiều".

Bẫy ảnh săn được nhiều động vật quý hiếm ở Vườn quốc gia Pù Mát - 4

Những người thợ chuyên đặt bẫy ảnh trong VQG Pù Mát để ghi lại những hình ảnh động vật quý hiếm.

Kết quả chương trình đặt bẫy ảnh điều tra động vật ở trên được chia sẻ trực tiếp tới các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Sau khi thông tin này được chia sẻ đã tạo tiếng vang lớn trong mạng lưới bảo tồn thiên nhiên quốc tế. Nhiều tổ chức đã liên lạc với để tìm hiểu thông tin, xây dựng mối quan hệ hợp tác bảo tồn đa dạng sinh học như: WWF, WCS, IZW.

Đồng thời qua những hội nghị "Pù Mát và những người bạn", với sự tham gia của các tổ chức: WWF, FFI, SVW, IZW, WCS, Viện Công nghệ hóa sinh và Môi trường, Trung tâm cứu hộ Gấu Việt Nam, nhiều chuyên gia đến từ các tổ chức khác đã có nhiều văn bản thỏa thuận hợp tác được ký kết.

Bên cạnh đó, việc điều tra động vật bằng máy bẫy ảnh đặt theo hệ thống ô lưới với mục tiêu chính là xác định sự phân bố, hiện trạng của các loài động vật nguy cấp, quý hiếm trên cơ sở đó đề xuất các hoạt động nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và bảo tồn tài nguyên động vật rừng. Xây dựng cơ sở dữ liệu đánh giá hiệu quả công tác quản lý bảo vệ trong kỳ đánh giá tiếp theo.

Với tổng số 515 lượt bẫy ảnh được đặt tại 320 trạm và 80 cụm, kết quả đã ghi nhận được 82 loài của 33 họ thuộc các lớp thú, chim và lưỡng cư - bò sát. Trong đó có 48 loài động vật nguy cấp, quý hiếm, 26 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, có 21 loài được ghi trong Danh lục đỏ IUCN… Qua đó cho thấy, Pù Mát là điểm nóng bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm ở cấp quốc gia và quốc tế.

Bẫy ảnh săn được nhiều động vật quý hiếm ở Vườn quốc gia Pù Mát - 5

VQG Pù Mát được Bộ Tài Nguyên và Môi trường vinh danh và tặng Bằng khen vì có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2010-2020.

Từ những kết quả trên Pù Mát đã xác định được những khu vực trọng điểm về phân bố của các loài động vật hoang dã đặc biệt quý hiếm, từ đó tăng cường lực lượng, nâng cao công tác bảo vệ, bảo tồn các loài động vật tại đây.

Ngày 13/1/2022 tại Hà Nội, VQG Pù Mát được Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ngân hàng thế giới và Tổ chức WWF Việt Nam tổ chức vinh danh có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2010-2020. 

Theo thống kê, hiện đã có khoảng 51.400 loài được phát hiện ở Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã công bố trên 1.000 loài mới cho khoa học. Chỉ trong giai đoạn 2010-2020, các nhà khoa học đã phát hiện và mô tả hơn 600 loài thực vật và động vật mới cho khoa học với các mẫu chuẩn thu ở Việt Nam. Những dẫn liệu về các giống, loài mới được bổ sung trong những thập kỷ gần đây cho thấy thành phần khu hệ động, thực vật Việt Nam còn chưa được biết hết, cần tiếp tục có những nghiên cứu phát hiện.