1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Bắt sao trời để cứu nhân loại - Tại sao không?

Các nền văn minh ngoài hành tinh có thể đang buộc phải dùng những cấu trúc khổng lồ để bắt giam những ngôi sao và khai thác năng lượng của chúng nhằm duy trì sự sống trong một vũ trụ lạnh lẽo và liên tục nở rộng.

Dan Hooper, nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm máy gia tốc quốc gia Fermilab (Mỹ) đã khẳng định như vậy trong một nghiên cứu mới công bố. Theo Hooper, sự giãn nở của vũ trụ, có thể ngày càng được đẩy nhanh hơn bởi năng lượng tối, đang tách rời vật chất, làm cho các ngân hà ngày càng xa nhau. Và đây là thách thức mà những tiến bộ về công nghệ của người ngoài hành tinh phải giải quyết để bảo toàn sự sống của chính họ.


Quả cầu Dyson theo lý thuyết.

Quả cầu Dyson theo lý thuyết.

Nghiên cứu của nhà khoa học Hooper đề cập đến việc sử dụng những cấu trúc siêu khổng lồ, thường được gọi là những Quả cầu Dyson. Về lý thuyết, những quả cầu này có thể được lắp đặt bao quanh những ngôi sao để khai thác năng lượng của chúng. Nghiên cứu còn cho rằng những quả cầu khí khổng lồ này còn bị người ngoài hành tinh đẩy trệch đường đi của chúng để không cho chúng thoát khỏi người ngoài hành tinh lúc đó đang đói năng lượng.

Sputnik dẫn nghiên cứu của Hooper, người cũng là giáo sư thiên văn tại Đại học Chicago, viết: “Để tối đa hóa việc tiếp cận nguồn năng lượng có thể sử dụng, nền văn minh đủ tiên tiến có thể sẽ chọn cách mở rộng nhanh chóng ra phía ngoài, xây dựng những Quả cầu Dyson hoặc những cấu trúc tương tự bao quanh những ngôi sao mà họ bắt gặp và sử dụng năng lượng khai thác được để đẩy ngược những ngôi sao đó không cho chúng tiến về đường chân trời mà hướng chúng về trung tâm nền văn minh”.

Nghiên cứu của giáo sư Hooper cho rằng, viễn cảnh đó có thể đang diễn ra hoặc chưa diễn ra ở đâu đó trong vũ trụ, nhưng “bất kỳ nền văn minh đủ tiên tiến nào” đang phải đối mặt với vấn đề bị cô lập, sẽ phải bắt đầu săn tìm các ngôi sao có thể có để “đảm bảo có càng nhiều càng tốt những ngôi sao đó” trước khi quá muộn để tiếp cận và khải thác năng lượng của chúng.

Hooper viết: “Trong khoảng 100 tỷ năm tới, tất cả những ngôi sao đang ở xa hơn Nhóm Địa phương sẽ vượt ra ngoài chân trời vũ trụ và không chỉ trở nên không thể quan sát được mà còn hoàn toàn không thể tiếp cận được. Điều này sẽ hạn chế nguồn năng lượng mà ngày nào đó có thể khai thác được từ chúng”.

Giáo sư Hooper suy đoán rằng, do khoảng cách giữa Trái Đất và đường chân trời vũ trụ xa đến hàng tỷ năm ánh sáng nên, biết đâu, người ngoài hành tinh đã thực hiện việc săn đuổi và di dời sao trời cho mục đích sống còn của họ khi không gian sinh tồn của họ ngày càng khó khăn do hết nguồn năng lượng thiên nhiên.

Săn sao và khai thác năng lượng của chúng hiện còn nằm ngoài khả năng con người trên Trái Đất, nhưng Hooper tin rằng loài người sẽ tiến dần đến giới hạn của nguồn tài nguyên hiện có nên ý tưởng “bắt sao trời” để khai thác năng lượng của chúng không đến mức siêu thực trong tương lai. Vì nếu loài người không làm như vậy, biết đâu sẽ có một loài khác nhanh tay đến cướp mất Mặt trời - nguồn năng lượng của chúng ta!

Theo Baotintuc