Bất ngờ với sáng chế xử lý rác thải sinh hoạt thành… hàng hóa

(Dân trí) - Trong những năm gần đây, sự gia tăng dân số cũng như sự phát triển kinh tế dẫn theo sự gia tăng các loại rác thải tại Việt Nam, điều này dẫn đến môi trường ngày càng ô nhiễm làm giảm chất lượng sống của con người cũng như mất mỹ quan. Vì vậy việc xử lý rác thải là vấn đề cấp bách của toàn xã hội.

Là một người con sinh ra và và lớn lên tại vùng quê nghèo của huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình, sau khi học hết phổ thông ông Đỗ Chí Lệ (sinh năm 1959) tham gia ngành Công an nhân dân là chiến sĩ phòng hậu cần Công an tỉnh Thái Bình. Năm 2010 ra quân thành lập doanh nghiệp với ngành nghề kinh doanh là dịch vụ thương mại. Bản thân ông không được đào tạo ngành nghề kỹ thuật và môi trường song trong cuộc sống cũng như công tác, qua tự học tự nghiên cứu và từ các thông tin trên báo, đài nêu về vấn nạn rác thải sinh hoạt.

Qua nghiên cứu tổng quan về tình hình thực tế rác thải tại địa phương và các tỉnh trong cả nước cũng như các giải pháp đã được thực hiện và qua thông tin ông thấy nhiều nước tiên tiến họ đã biến rác thải sinh hoạt là “nguồn tài nguyên”. Từ đó ông quyết tâm tìm tòi học hỏi, tham quan các mô hình xử lý rác thải của nhiều đơn vị trong nước và nước ngoài, ông đã đưa ra ý tưởng dùng nước và tác động lực cơ học để phân loại và chế biến rác thải sinh hoạt thành hàng hóa.

Sau nhiều nỗ lực nghiên cứu ông đã xây dựng hoàn chỉnh nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Nhà máy đi vào hoạt động từ tháng 7/2016, đã giải quyết môi trường cho 25 xã, thị trấn, đem lại hiệu quả về kinh tế xã hội cao, công nghệ có tính ứng dụng và nhân rộng các huyện trong tỉnh và 1 số tỉnh khác của đất nước (như Đắc Nông, Bắc Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, Kiên Giang....) đã đăng ký đầu tư xây dựng nhà máy.

Với những ưu điểm của giải pháp, năm 2016-2017 ông đã đạt giải nhất tại Hội thi sáng tạo Khoa học công nghệ Kỹ thuật Thái Bình lần thứ VII; Năm 2017 đã được Cục sở hữu trí tuệ Bộ khoa học và Công nghệ chấp nhận đơn hợp lệ với tên sáng chế “Bể phân loại rác hệ thống quy trình xử lý rác thải sinh hoạt không chôn lấp”; Năm 2018-2019 ông tiếp tục được Cục sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học công nghệ chấp nhận đơn hợp lệ với tên sáng chế “Hệ thống xử lý nước thải sau khi xử lý rác thải”; Ông cũng được Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cấp giấy chứng nhận sản phẩm máy phân loại xử lý rác thải thành hàng hóa công nghệ TTD-01 đã được trưng bày tại triển lãm “Tự hào trí tuệ Việt Nam khu vực đồng bằng Sông Hồng năm 2018”; được nhận nhiều Bằng khen của tỉnh Thái Bình và các Bộ ngành Trung ương.

Với một bảng thành tích “đáng nể” ông Đỗ Chí Lệ đã được Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình đề nghị Trung ương Hội khuyến học Việt Nam xét duyệt đề án nghiên cứu này để trao giải Khuyến tài – Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2019. Sau khi đi thẩm định đề án thực tế, Trung ương Hội khuyến học Việt Nam đã trao Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2019 về lĩnh vực Tự học thành tài cho ông Đỗ Chí Lệ.

Bất ngờ với sáng chế xử lý rác thải sinh hoạt thành… hàng hóa - 1

Ông Đỗ Chí Lệ đứng thứ 2 từ trái sang nhận Giải thưởng Tự học thành tài - Nhân tài Đất Việt 2019. 

Bất ngờ với sáng chế xử lý rác thải sinh hoạt thành… hàng hóa - 2

Ông Đỗ Chí Lệ - người ngoài cùng bên phải giới thiệu thành phẩm của dây chuyển xử lý rác thải cho đoàn thẩm định của Trung ương Hội khuyến học Việt Nam. 

Trao đổi với Dân trí, ông Đỗ Chí Lệ cho biết: Mục đích chung của sáng chế là nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị để xử lý triệt để rác thải sinh hoạt, biến rác thải sinh hoạt thành hàng hóa nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường, đồng thời tận dụng tối đa nguồn tài nguyên để chế biến phân vi sinh, sản xuất hạt nhựa và tận dụng những rác thải rác nặng sau khi lấy ra khỏi bể để bán sắt thép phế liệu, phần còn lại làm gạch Block.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sáng chế của ông Đỗ Chí Lệ có cơ sở khoa học vững chắc là dựa trên định luật Acsimet mà thực tiễn trong đời sống xã hội đã áp dụng rất nhiều trong các ngành công nghiệp. Đây chính là dấu hiệu khoa học kỹ thuật cần có để đạt được mục đích của sáng chế. Từ cơ sở khoa học là lực đẩy Acsimet ông Lệ đã tập trung nghiên cứu phương pháp dùng nước để phân loại rác.

Bất ngờ với sáng chế xử lý rác thải sinh hoạt thành… hàng hóa - 3

Nguyên lý của phương pháp dòng nước để phân loại rác đó là rác thải là thành phần hỗn hợp của rất nhiều chất khác nhau. Các chất đó có trọng lượng riêng khác nhau, khi dùng lực cơ học tách các chất ra khỏi nhau. Mục đích của sáng chế là đề xuất hệ thống xử lý rác thải, khắc phục được nhược điểm của công nghệ xử lý cũ (chôn, hoặc đốt rác hỗn hợp) mà phân loại được triệt để rác thải hỗn hợp và các thành phẩm tạo ra từ rác có chất lượng rất cao do hầu như không lẫn tạp chất.

Bất ngờ với sáng chế xử lý rác thải sinh hoạt thành… hàng hóa - 4

Dây chuyền xử lý phân loại rác. 

Ngoài ra do quy trình công nghệ của sáng chế gồm nhiều quy trình công nghệ độc lập vì vậy trong mỗi quy trình độc lập sẽ có mục đích và quy trình công nghệ riêng.

Giải pháp của ông không chỉ mang lợi ích về mặt kinh tế khi giá thành thiết bị và phụ tùng thay thế được chế tạo trong nước với giá rẻ chỉ bằng 5-10% giá thành thiết bị nhập khẩu; Tổng mức đầu tư thấp khoảng 360 triệu đồng/tấn rác xử lý so với 570 triệu/tấn theo Quyết định số 322 của Bộ xây dựng.

Rác thải sinh hoạt được xử lý chế biến thành các sản phẩm hữu ích như phân bón hữu cơ, hạt nhựa, không làm mất đi nguồn tài nguyên của xã hội. Phân hữu cơ làm cho đất xốp, chống bạc màu (tăng độ phì của đất), ngành nông nghiệp sản xuất ra các sản phẩm sạch phục vụ đời sống dân sinh. Hạt nhựa bán để sản xuất đồ nhựa; Vận hành thiết bị đơn giản không mất nhiều thời gian đào tạo công nhân…

Mà còn mang lại hiệu quả cho xã hội khi tạo công ăn việc làm cho nông dân, nông thôn vùng có nhà máy xử lý rác thải; Tận dụng tài nguyên rác để tái tạo thành sản phẩm hữu ích cho xã hội; Giảm các bệnh do ô nhiễm môi trường gây ra (so với phương án xử lý chôn lấp, đốt...)

Bên cạnh đó, giải pháp cũng làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo môi trường sạch trong khu dân cư, vẻ đẹp cho diện mạo nông thôn mới, làm sạch môi trường nơi thành thị; Giảm thiểu ô nhiễm môi trường đối với người lao động trực tiếp xử lý rác và triệt để giải quyết ô nhiễm môi trường xung quanh và loại bỏ rác thải túi nilon ra môi trường.

Theo đánh giá của GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội khuyến học Việt Nam thì Đề án sáng chế "Xử lý rác thải sinh hoạt thành hàng hóa" thể hiện tính đa năng, có giá trị về khoa học công nghệ; đã đạt các hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường và đều đã được ứng dụng vào thực tiễn, phục vụ sản xuất; góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân. 

Nguyễn Hùng