Bất ngờ với cảnh săn mồi của nhện siêu lớn ở rừng rậm Amazon
(Dân trí) - Ví dụ hiếm hoi về trường hợp động vật chân khớp giết và ăn thịt động vật có vú.
Trong nhiều năm, Rudolf von May, nhà sinh thái học tại Đại học Michigan ở Ann Arbo, bang Michigan đã từng thấy vô số cảnh tượng hoang dã trong vùng rừng nhiệt đới Amazon thuộc lãnh thổ Peru. Nhưng buổi tối hôm đó là một cảnh tượng hoàn toàn gây sốc: video của một thành viên nhóm nghiên cứu ghi lại cảnh một con nhện tarantula khổng lồ, kích thước bằng một cái đĩa ăn, bò chầm chậm qua những lớp lá rụng với một con chồn opossum treo lủng lẳng trên nanh.
Việc động vật có vú bị động vật chân khớp săn đuổi và giết chết là rất hiếm thấy. Đây là lần đầu tiên Von May quan sát được cảnh này trong hơn 10 năm cùng với nhóm nghiên cứu thực hiện các chuyến đi vào rừng nhiệt đới Amazon, mỗi chuyến kéo dài từ 3-4 tuần. Họ nghiên cứu không chỉ ban ngày mà cả vào buổi đêm, chia nhau đi thu thập dữ liệu về các loài lưỡng cư và bò sát - từ thống kê số lượng đến lấy mẫu và mô sinh học.
Qua quan sát từ năm 2008 đến 2017, nhóm nghiên cứu của Von May đã ghi nhận 15 trường hợp động vật không xương sống săn mồi là động vật có xương sống. Những trường hợp này bao gồm: nhện bắt ếch nhái ở Bolivia, rết ăn rắn, nhện săn thằn lằn.....Và giờ là nhện tarantula bắt chồn opossum. Những phát hiện trên được công bố vào ngày 28 tháng 2 trong báo cáo của tổ chức Bảo tồn Động vật lưỡng cư và Bò sát.
Phát hiện mới bổ sung bằng chứng về tính đa dạng của các hệ sinh thái nhiệt đới. Sự đa dạng sinh học khiến nghiên cứu tương tác giữa các sinh vật rừng rậm trở nên khó khăn hơn vì không biết chắc chắn chúng quan hệ thế nào với nhau. Từ những năm 1980, giới khoa học đã nhận ra các loài động vật không xương sống (có lông cảm nhận rung động hoặc nọc độc làm tê liệt) đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ động vật có xương sống.
Tùng Anh
Theo Sciencenews