Bảo tồn đất than bùn có thể ngăn ngừa các bệnh mới lây sang người
(Dân trí) - Trong một báo cáo mới, các nhà khoa học cho rằng các khu vực đất than bùn nhiệt đới hầu như đã bị bỏ qua vì là nơi tiềm ẩn cho các loại bệnh mới lây nhiễm từ động vật sang người.
Việc bảo vệ và phục hồi tốt hơn các khu rừng đầm lầy than bùn nhiệt đới có thể giúp hạn chế tác động của đại dịch hiện tại, và cũng ngăn chặn sự xuất hiện của các bệnh lây truyền từ động vật trong tương lai.
"Khi ngày càng rõ ràng rằng Covid-19 sẽ không biến mất một cách kỳ diệu trong vài tuần nữa, chúng tôi bắt đầu suy nghĩ và thảo luận về những tác động tiềm tàng của đại dịch đối với việc bảo tồn hệ sinh thái và các cộng đồng cư dân địa phương”, tác giả chính của nghiên cứu Mark Harrison, một nhà sinh thái học và nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Exeter ở Anh, cho biết.
Trong bài báo của mình, Harrison và các đồng nghiệp của ông thừa nhận rằng đất than bùn nhiệt đới không phải là duy nhất có khả năng là vật chủ truyền bệnh từ động vật sang người, nhưng tuyên bố rằng chúng đã bị bỏ qua phần lớn.
Các khu vực đất than bùn có mức độ đa dạng sinh học cao. Chúng cũng phải chịu mức độ tàn phá môi trường sống và săn bắn động vật hoang dã ngày càng gia tăng. Những thuộc tính này làm cho các khu rừng đầm lầy than bùn nhiệt đới trở nên chín muồi để lây truyền bệnh từ động vật sang người.
"Trường hợp chung đầu tiên được báo cáo về Ebola vào năm 1976 là từ một khu vực đất than bùn, ở Yambuku, Cộng hòa Dân chủ Congo. Cái nôi của đại dịch HIV /AIDS được cho là xung quanh Kinshasa, DRC, một khu vực khác có nhiều vùng đất than bùn rộng lớn", Harrison thông tin.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng các vùng đất than bùn nhiệt đới không nhất thiết phải rủi ro hơn các vùng nhiệt đới khác và không nên được xem như một hệ sinh thái đáng sợ.
Harrison nói thêm: “Thay vào đó, bằng chứng cho thấy có một nguy cơ chưa được nêu rõ trước đây và nguy cơ này sẽ được giảm thiểu thông qua việc bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái này và động vật hoang dã của chúng”.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy nguy cơ lây truyền bệnh từ động vật sang người là lớn nhất trong các môi trường sống bị suy thoái. Trong bài báo mới, các nhà nghiên cứu cho rằng việc bảo vệ các vùng đất than bùn có thể hạn chế nguy cơ xuất hiện và truyền bệnh từ động vật sang người.
Harrison nói: “Việc chuyển đổi và sử dụng các vùng đất than bùn nhiệt đới thường liên quan đến hệ thống thoát nước của chúng, dẫn đến suy thoái than bùn và nguy cơ hỏa hoạn cao vào mùa khô, gây ra các mối đe dọa nghiêm trọng đối với khí hậu toàn cầu, đa dạng sinh học và sức khỏe cộng đồng”.
Để bảo vệ các vùng đất than bùn và ngăn chặn sự thoát nước của chúng, các nhà nghiên cứu đề nghị các nhà hoạch định chính sách không chỉ tập trung vào sức khỏe sinh thái mà còn phải giải quyết một loạt các vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị phức tạp trong đó nhu cầu của người dân địa phương xung đột với nhu cầu của môi trường.
Ngoài việc giảm nguy cơ xảy ra đại dịch trong tương lai, các nhà nghiên cứu tuyên bố nỗ lực bảo vệ và khôi phục các vùng đất than bùn có thể giúp giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 hiện tại.
"Một cách quan trọng mà việc bảo tồn và phục hồi đất than bùn nhiệt đới có thể giúp giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 là thông qua việc ngăn chặn cháy rừng than bùn, có thể xảy ra hàng năm ở các khu vực Đông Nam Á và tạo ra những đám khói dày được biết là ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Các nhà nghiên cứu làm việc ở các khu vực khác gần đây đã xác định ô nhiễm không khí là một yếu tố nguy cơ dẫn đến gia tăng số ca nhiễm Covid-19, số ca nhập viện và tử vong, vì vậy có nguy cơ rõ ràng ở đây có thể liên quan đến các đám cháy đất than bùn nhiệt đới.
Harrison và các đồng nghiệp của ông mô tả bài báo của họ như một tập hợp các dự đoán được thông báo về các tác động có thể có của Covid-19 đối với việc bảo tồn đất than bùn và ngược lại.
Trong tương lai, các nhà nghiên cứu đề nghị cần phải nỗ lực thu thập dữ liệu thực địa trong và ngoài trận đại dịch để đánh giá độ chính xác của các dự đoán của họ.