Bảo đảm thông tin khoa học và công nghệ phục vụ nghiên cứu và đào tạo tại Việt Nam
(Dân trí) - Ngày 12/11/2019, tại Hà Nội, Cục Thông tin KH&CN quốc gia đã tổ chức Hội thảo: “Bảo đảm thông tin KH&CN phục vụ nghiên cứu và đào tạo tại Việt Nam”.
Tham dự Hội thảo có tiến sĩ (TS) Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia, bà Đỗ Phương Lan, Phó Giám đốc Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia và 190 đại biểu là các cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý khoa học, các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học khu vực phía Bắc.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia nhấn mạnh vai trò của thông tin trong bối cảnh KH&CN phát triển mạnh mẽ: Trong thời đại ngày nay, ai không nhận thức được tầm quan trọng của thông tin KH&CN, người đó sẽ tụt hậu.
Ông cho biết, Cục Thông tin đang vận hành nguồn tin KH&CN quốc gia lớn, đảm bảo được mức “ngưỡng an toàn” đối với hoạt động nghiên cứu và đào tạo tại Việt Nam, bao gồm: cơ sở dữ liệu về các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ với hơn 34.000 bài toàn văn, các đề tài dự án, kết quả nghiên cứu; 260.000 bài báo, công bố kết quả nghiên cứu khoa học trong nước; hàng năm Cục Thông tin mua quyền truy cập tới các cơ sở dữ liệu khoa học quốc tế nổi tiếng và có giá trị như ScienceDirect, Springer Nature, IEEE, ACS, Scopus, ISI-Web of Science… Với đặc thù nguồn tin KH&CN được sử dụng nhiều sẽ càng trở nên hữu ích, Cục trưởng mong muốn các nhà khoa học tham dự Hội thảo sẽ là những hạt nhân nòng cốt lan tỏa nguồn tin quý báu tới các cộng động nghiên cứu, cùng với Cục thông tin bàn giao, phát triển, khai thác hiệu quả nguồn tin khoa học này, góp phần phát triển sự nghiệp KH&CN nước nhà.
Tại Hội thảo, các báo cáo viên đã giới thiệu hoạt động bảo đảm thông tin KH&CN cho nghiên cứu và đào tạo: bảo đảm về hạ tầng thông tin với Mạng Nghiên cứu và đào tạo Việt Nam có đường kết nối quốc tế tốc độ cao (dung lượng 01 Gbps) dành riêng cho cộng đồng nghiên cứu; bảo đảm về nội dung thông tin với việc xây dựng, tích hợp và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ, cấp quyền truy cập từ xa tới các nguồn tin học thuật, chính thống của các nhà xuất bản nổi tiếng trên thế giới; bảo đảm quyền khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu mọi lúc, mọi nơi, trên mọi thiết bị đối với tất cả các cá nhân hoạt động nghiên cứu và đào tạo tại Việt Nam.
Các cơ sở dữ liệu được cung cấp bởi Cục Thông tin KH&CN quốc gia sẽ giúp các nhà khoa học xác định định hướng nghiên cứu, tránh trùng lặp và đúng xu hướng nghiên cứu trên thế giới; viết tổng quan tình hình nghiên cứu trong nước và quốc tế; tìm kiếm và đánh giá đối tác nghiên cứu, các tổ chức tài trợ kinh phí cho từng lĩnh vực; tìm kiếm, download tài liệu toàn văn; đánh giá chất lượng các nghiên cứu và lựa chọn tạp chí để đăng bài.
Với cá nhân nhà nghiên cứu, thông tin KH&CN được đảm bảo từ giai đoạn hình thành ý tưởng tới viết đề xuất nghiên cứu, tiến hành nghiên cứu và công bố kết quả nghiên cứu. Với các tổ chức quản lý và cấp phát kinh phí, thông tin KH&CN được bảo đảm từ giai đoạn tuyển chọn, xét duyệt nhiệm vụ tới giai đoạn kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ và đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ.
Bên cạnh việc giới thiệu cách thức sử dụng nguồn tin KH&CN phục vụ cho từng chu trình của hoạt động nghiên cứu, các báo cáo viên cũng chia sẻ những tính năng mới ở từng cơ sở dữ liệu, như tính năng PlumX Metrics của CSDL ScienceDirect giúp tổng quan về cách thức mọi người tương tác với bài nghiên cứu trong môi trường trực tuyến với 5 thước đo: Trích dẫn (Citation), Lượt sử dụng (Usage), Capture (như bookmark, đưa vào mục yêu thích), Mention: tính các hoạt động về của bài báo trên các phương tiện truyền thông, Truyền thông xã hội (Social Media): sự quảng bá của bài viết trên các trang mạng xã hội. Các đại biểu cũng được hướng dẫn thực hành khai thác cơ sở dữ liệu nhiệm vụ KH&CN Việt Nam, cơ sở dữ liệu công bố KH&CN Việt Nam và đo lường sáng tạo khoa học, đánh giá tác động quốc tế, xác định đối thủ cạnh tranh, các nhà khoa học đầu ngành của từng lĩnh vực, đánh giá tác động các nguồn tài trợ lên sản lượng nghiên cứu và xác định xu hướng nghiên cứu qua công cụ Scopus.
Nguyễn Hùng