1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Bằng chứng đầu tiên tiết lộ các động vật sâu dưới biển ăn các hạt vi nhựa

(Dân trí) - Sau khi thực hiện nghiên cứu ở Trung Đại Tây Dương và Tây Nam Ấn Độ Dương trên con tàu nghiên cứu hoàn gia (RRS) James Cook, các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng cho thấy vi sợi đã bị các động vật ở sâu dưới đáy biển như hải xâm nuốt phải. Đây là lần đầu tiên tác động môi trường của tình trạng ô nhiễm hạt vi nhựa được tiết lộ.

Mới đây, Chính phủ Anh đã thông báo lệnh cấm sử dụng các hạt vi nhựa thường xuất hiện trong mỹ phẩm và chất tẩy rửa vào cuối năm 2017. Lệnh cấm được đưa ra sau khi Ủy ban Kiểm toán môi trường công bố báo cáo về thiệt hại môi trường do các hạt vi nhựa gây ra. Báo cáo nêu rõ, một trận mưa duy nhất có thể đổ 100.000 hạt vi nhựa xuống đại dương.

Bằng chứng đầu tiên tiết lộ các động vật sâu dưới biển ăn các hạt vi nhựa - 1

Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Bristol và Đại học Oxford hiện đã tìm thấy bằng chứng về các hạt vi nhựa bên trong các sinh vật sống ở độ sâu từ 300m đến 1800m. Đây là lần đầu tiên các hạt vi nhựa - có thể thâm nhập vào đại dương do giặt quần áo làm từ vải tổng hợp hoặc từ các lưới đánh cá - được chứng minh đã bị các động vật ở độ sâu này nuốt phải. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Scientific Reports.

Laura Robinson, Giáo sư Địa hóa học tại Trường Khoa học Trái đất, Đại học Bristol, cho biết: "Kết quả này khiến tôi ngạc nhiên và là lời nhắc nhở rằng ô nhiễm nhựa thực sự đã đi đến tận cùng của Trái đất".

Các hạt vi nhựa thường được định nghĩa là các hạt dài chưa đến 5mm, bao gồm các vi sợi đã được phân tích trong nghiên cứu và các hạt nhựa rắn được sử dụng trong mỹ phẩm. Các hạt vi nhựa được phát hiện trong các động vật sâu dưới biển, gồm có polyester, nylon và acrylic. Chúng di chuyển từ vùng nước phía trên xuống sâu dưới đại dương và sau đó, nhiều sinh vật sâu dưới đại dương đã ăn phải.

TS. Michelle Taylor thuộc Khoa Động vật học tại trường Đại học Oxford và là tưởng nhóm nghiên cứu cho rằng: "Mục đích chính của đoàn thám hiểm nghiên cứu là thu thập các hạt vi nhựa từ các trầm tích dưới đáy đại dương và chúng tôi đã tìm thấy rất nhiều hạt vi nhựa. Vì các động vật biển tương tác với trầm tích đáy như sống trên đó hoặc ăn nó, nên chúng tôi đã xem xét bằng chứng để chứng minh cho hiện tượng này. Đặc biệt đáng báo động là các hạt vi nhựa không được phát hiện ở các khu vực ven biển, mà lại ở sâu dưới đại dương, cách các nguồn ô nhiễm trên đất liền hàng nghìn dặm".

TS. Claire Gwinnett, PGS. về Khoa học pháp y và tội phạm tại trường Đại học Staffordshire, cho rằng các phương pháp pháp y hiện nay để kiểm tra sợi đã được thử nghiệm để xác định độ bền của sợi. Các kỹ thuật này đã được áp dụng trong nghiên cứu nhằm giảm thiểu và giám sát ô nhiễm một cách có hiệu quả và cung cấp thông tin đáng tin cậy về thực tế các hạt vi nhựa bị động vật sâu dưới biển nuốt phải, không bắt nguồn từ phòng thí nghiệm hoặc chất ô nhiễm khác từ bên ngoài.

N.P.D-NASATI (Theo Phys)