Bạn sẽ làm gì khi phát hiện đứa con lên bảy lấy trộm tiền của mình?

(Dân trí) - Hãy nghe Bác sĩ Tâm thần học Robin Altman, tốt nghiệp Trường Đại học Bắc Carolina và đã có 29 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tâm thần học trẻ em và người lớn, chia sẻ ý kiến về vấn đề này.

Bạn sẽ làm gì khi phát hiện đứa con lên bảy lấy trộm tiền của mình? - 1

Nếu thấy con có biểu hiện lấy trộm tiền của bố mẹ, cho dù bạn có bằng chứng khẳng định hay không, thì hãy nói chuyện với con. Bạn có thể bắt đầu đặt vấn đề thế này “Con à, bố (mẹ) bị mất tiền trong túi. Bố (Mẹ) nghĩ là con lấy.” Rồi bạn dừng lại để con trả lời. Nếu con chối, bạn có thể tiếp tục nói với con: “Được rồi, con nói là con không lấy, nhưng dù có thật là con lấy hay không, bố (mẹ) cũng muốn nói ăn trộm là sai.” Bạn hãy nhấn mạnh rằng mặc dù việc đó là sai, nhưng nếu con có lấy trộm mà biết nhận lỗi thì lỗi đó sẽ nhẹ hơn là để bố (mẹ) tìm ra bằng chứng khẳng định việc đó.

Một đứa trẻ lên bảy hoàn toàn có thể hiểu ăn trộm tiền là việc làm sai trái và bé sẽ gặp rắc rối khi bị phát hiện, nhưng rất có thể bé không hiểu hậu quả gây ra về mặt đạo đức, rằng hành động ăn trộm làm cho người bị mất buồn phiền. Bạn hãy hỏi để đặt bé vào tình huống là người bị mất đồ, chẳng hạn như: “Nếu người khác ăn trộm đồ chơi của con, con sẽ thấy thế nào, thì con sẽ hiểu bố (mẹ) cảm thấy thế nào khi bị mất tiền. Bố (mẹ) đang rất buồn.”

Trong một vài trường hợp, có thể đứa trẻ nghĩ là lấy của bố mẹ không phải là ăn trộm, vì “của bố mẹ cũng là của mình”. Hãy giải thích rõ với con là khi con muốn thứ gì đó và hỏi xin thì bạn sẵn sàng cho con nếu con xin thứ hợp lí, nhưng tự tiện lấy mà không xin phép thì chắc chắn là việc làm sai.

Cũng cần nhớ rằng đôi khi đứa trẻ ăn cắp vì cảm thấy bị bỏ rơi, không được quan tâm hoặc muốn trả thù việc gì đó. Có thể bé ghen tị vì anh/ chị/ em của bé có nhiều quà sinh nhật hay bực tức vì anh/ chị/ em được bênh. Trong trường hợp này, hãy quan tâm giải thích và khẳng định với con tình yêu, sự quan tâm của bạn với con cũng nhiều như với anh/ chị/ em của bé. Bạn có thể nói với con “Bố/ mẹ yêu anh/ chị/ em và cũng yêu con nhiều như thế, và luôn luôn yêu con như thế. Bố/ mẹ xin lỗi nếu con cảm thấy buồn. Nhưng việc ăn trộm vẫn là việc làm sai.”

Một việc cũng quan trọng không kém là phải có biện pháp đi kèm, chẳng hạn như yêu cầu con trả lại số tiền đã lấy, hoặc trừ vào tiền mua quà/ tiền mừng tuổi của con hoặc phải làm thêm việc nhà. Sau khi con hoàn thành việc làm chuộc lỗi đó, hãy bỏ qua cho con, tránh nhắc đi nhắc lại.

Phạm Hường (Theo Babycenter)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm