Bàn giải pháp phát triển và thương mại hóa công nghệ

Nguyễn Hùng

(Dân trí) - Theo đánh giá của các nhà khoa học, hiện nay việc thương mại hóa công nghệ đang gặp rất nhiều khó khăn từ rào cản về tính pháp lý cho đến cơ chế chính sách.

Ngày 14/10, tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã diễn ra buổi tọa đàm “Phát triển và thương mại hóa công nghệ ở Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam”. Buổi tọa đàm được tổ chức như một diễn đàn mở để các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý chia sẻ các kinh nghiệm, hiểu biết của mình và đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình thương mại hóa công nghệ.

Bàn giải pháp phát triển và thương mại hóa công nghệ - 1

Quang cảnh buổi tọa đàm. 

Các nhà khoa học tham dự tọa đàm đều cho rằng, thương mại hóa công nghệ là một vấn đề khó và phức tạp, cần có sự hợp tác của nhà khoa học, nhà nước và doanh nghiệp để xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo làm điểm tựa cho các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ đi vào cuộc sống.

Tại tòa đàm, Tiến sĩ Hà Phương Thư - Trưởng Phòng Vật liệu Nano y sinh, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam – một nhà khoa học mà có nhiều kết quả nghiên cứu đã thương mại hóa thành công cho hay, việc thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ còn gặp nhiều khó khăn bởi các sản phẩm mới muốn tồn tại trên thị trường phải có sự đổi mới sáng tạo, đáp ứng đủ điều kiện tài chính. Mặc dù các nhà khoa học được tài trợ nhiều về tài chính nhưng việc đưa sản phẩm ra thị trường vẫn gặp không ít rào cản.

“Nhóm nghiên cứu của tôi đã chọn cách đi theo hướng riêng đó là tăng cường truyền thông để kết quả nghiên cứu, sản phẩm thương mại hóa đến với người dân. Nếu chỉ ngồi trong phòng nghiên cứu thì sản phẩm công nghệ sẽ không thể đến tay người tiêu dùng được”, Tiến sĩ Hà Phương Thư cho hay.

Dưới góc độ là một nhà khoa học sau đó vượt qua rào cản để trở thành một startup, bà Nguyễn Thu Hồng – Giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm Cam Ranh khẳng định: Tính sáng tạo đối với các nhà khoa học là vô cùng quan trọng.

Cũng theo bà Hồng, chúng ta nên tiếp cận theo hướng nhà đầu tư chính là thị trường của các nhà khoa học. Nhà đầu tư đầu tư vào tố chất của nhà khoa học.

“Các nhà khoa học thực ra không cần tìm nhà đầu tư mà hãy phát ra tín hiệu để nhà đầu tư tìm thấy mình. Bản thân các nhà khoa học phải có tâm và chủ động đầu tư vào chính mình”, bà Hồng nói.

Theo TS. Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường – Doanh nghiệp và khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, việc nghiên cứu khoa học công nghệ khó bao nhiêu thì chính sách thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ ra thị trường khó bấy nhiêu. Không chỉ vậy, thủ tục giải ngân cho hoạt động thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ rườm rà, tốn nhiều thời gian, công sức, khiến không ít nhà khoa học không mặn mà.

Cũng theo ông Quất, để giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học cùng doanh nghiệp cần liên kết, hợp tác, chia sẻ thông tin về sản phẩm, đồng thời, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho nhà khoa học, có nguồn thu bền vững. Điều quan trọng nhất chính là giải quyết vướng mắc về thủ tục giải ngân.

Đồng quan điểm, PGS.TS. Phan Tiến Dũng – Phó Trưởng Ban Ứng dụng triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhấn mạnh: Tư duy của nhà khoa học và doanh nghiệp khác nhau, nên rất cần có sự hợp tác, thấu hiểu, để chuyển giao công nghệ. Vấn đề vướng mắc lớn nhất trong quá trình chuyển giao nghiên cứu khoa học công nghệ, thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ chính là là cơ chế tài chính và chính sách.

“Trong thời gian qua Bộ Khoa học và Công nghệ đã rất cố gắng kiến nghị, sửa đổi các quy định để tạo cơ chế thông thoáng cho việc thương mại hóa nhưng nhiều nút thắt vẫn chưa được tháo gỡ”, ông Quất thông tin.