Bản đồ số Việt Nam sẽ sớm đi vào vận hành và khai thác

(Dân trí) - Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, một trong những kết quả nổi bật của Đề án phát triển Hệ tri thức Việt số hóa đó chính là Dự án “nền tàng dữ liệu bản đồ số Việt Nam” dự kiến sẽ đi vào vận hành và khai thác vào Quý II/2019. Tính đến ngày 16/01/2019, cả nước đã thu thập khoảng 1,7 triệu địa chỉ đưa vào cơ sở dữ liệu.

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai công tác ngành KH&CN năm 2019 diễn ra vào sáng nay (21/1), lãnh đạo Bộ KH&CN cho biết, Đề án phát triển Hệ tri thức Việt số hóa đã bước đầu hình thành hệ thống nền tảng với các chức năng và công cụ cho phép thu thập, xử lý và chia sẻ các dữ liệu dùng chung trong một số lĩnh vực như: Dữ liệu bản đồ số Việt Nam; Dữ liệu tiếng nói tiếng Việt: Ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm và bài giảng trực tuyến; Dữ liệu nông nghiệp, y tế, văn hóa…

anh tac.jpg

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết, một trong những kết quả nổi bật của Đề án phát triển Hệ tri thức Việt số hóa đó chính là Dự án "Nền tảng dữ liệu bản đồ số Việt Nam". 

 

Một trong những kết quả nổi bật của Đề án là triển khai Dự án “Nền tảng dữ liệu bản đồ số Việt Nam”, có những ứng dụng liên quan đến tìm kiếm thông tin, tìm đường, tìm địa chỉ trên toàn quốc, là cơ sở để tạo ra các ứng dụng trong nhiều lĩnh vực: giáo dục, văn hóa, du lịch…

Tham dự hội nghị này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tiết lộ thêm, “Nền tảng dữ liệu bản đồ số Việt Nam” không chỉ đơn thuần là dữ liệu về địa chỉ mà sau này sẽ có các lớp dữ liệu của các bộ/ngành khác cũng tham gia trở thành một kho dữ liệu phục vụ thông tin cho cộng đồng.

Thông tin thêm về tiềm năng dự án này, lãnh đạo Bộ KH&CN đưa ra một ví dụ thực tế: Khi xây dựng xong bản đồ số Việt nam thì lúc đó với sự kết hợp của bộ/ngành sẽ có những thông số hữu ích cho xã hội. Ví dụ đối với Bộ Nông nghiệp có thể đưa các thông số về các địa chỉ đó đang trồng, canh tác sản phẩm nào đó thì các vùng khác có thể đánh giá để điều chỉnh, tránh việc đồng loạt trồng cùng một sản phẩm gây khó khăn cho việc tiêu thụ sau này…

Trao đổi thêm về dự án “Nền tảng dữ liệu bản đồ số Việt Nam”, ông Nguyễn Phúc Vinh – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho biết: tháng 10/2018 Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Bưu điện Việt Nam) được Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ tham gia thực hiện dự án “Nền tảng dữ liệu bản đồ số Việt Nam” nằm trong khuôn khổ đề án xã hội hóa “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” của Chính phủ.

quoc vinh .jpg

Ông Nguyễn Phúc Vinh – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam. 

Dự án nhằm tạo lập một nền tảng thu thập và chia sẻ dữ liệu bản đồ (tọa độ) của các địa danh, địa chỉ trên toàn quốc. Đây là cơ sơ để các doanh nghiệp có thể sử dụng để tạo ra các ứng dụng trong nhiều lĩnh vực: giáo dục, văn hóa, du lịch…Thông qua bản đồ số Việt Nam, người dùng cũng có thể dễ dàng tìm và được chỉ đường cụ thể đến tận lớp địa chỉ trong từng ngõ, hẻm hoặc các thôn, xã.

Địa chỉ là một cơ sở dữ liệu lớn, có tính chất phức tạp do đó điều khó khăn nhất khi thực hiện dự án Bản đồ Việt là huy động nguồn lực tham gia thực hiện việc thu thập dữ liệu từng địa chỉ trên toàn quốc.

“Với lợi thế mạng lưới trải dài trên cả mảnh đất hình chữ S gồm hơn 42.000 lao động trong đó lực lượng bưu tá hơn 11.800 người hoạt động ngày đêm không ngừng nghỉ và với kinh nghiệm thu thập dữ liệu trên toàn quốc trong nhiều lĩnh vực như: thu thập dữ liệu hộ gia đình tham gia Bảo hiểm y tế, dữ liệu thông tin, hình ảnh về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ; dữ liệu mã bưu chính quốc gia… Bưu điện Việt Nam sẵn sàng tham gia và phối hợp với các bên thực hiện dự án xã hội hóa này”, ông Vinh cho hay.

ban do.jpg

Bản đồ số Việt Nam dự kiến đi vào vận hành và khai thác vào quý II/2019. 

 

Cũng theo ông Vinh, giai đoạn đầu thực hiện ngay từ tháng 10/2018, Bưu điện Việt Nam đã xây dựng quy trình và ứng dụng thu thập dữ liệu “VNPost - Thu thập địa chỉ” trên mobile và trên webquản trị “bandoso.vnpost.vn”, đồng thời phối hợp với Trung tâm tích hợp liên ngành giám sát hiện trường – ĐH Công nghệ - Đại học QGHN (FIMO) để thiết lập chịu trách nhiệm đảm bảo hạ tầng cho hệ thống. Ngoài ra, hai bên còn phối hợp để xây dựng các chức năng tiện ích cho bản đồ cung cấp cho người dân cả nước.

Từ tháng 11/2018, các Bưu điện tỉnh, thành phố thuộc Bưu điện Việt Nam đã tiến hành thu thập dữ liệu các địa điểm trường học, du lịch, y tế, các điểm phục vụ bưu chính công cộng… Riêng hai địa phương Phú Yên và Hậu Giang được lựa chọn thí điểm thu thập dữ liệu tất cả các địa chỉ trên toàn tỉnh.

Thông qua Smartphone đã cài đặt phần mềm có các tính năng thu thập dữ liệu, gắn tọa độ, thời gian, chụp ảnh… mỗi nhân viên Bưu điện, đoàn viên, thanh niên sẽ thực hiện thu thập tên địa chỉ (hộ gia đình, cửa hàng, địa điểm…); địa chỉ chi tiết của địa điểm số nhà, đường phố, hẻm, xóm…) và các ghi chú về loại đối tượng (nhà hàng, nhà dân, ngân hàng, chợ… ). Sau khi xác nhận thông tin chuẩn, dữ liệu sẽ được tích hợp và đưa lên bản đồ số Việt Nam tại địa chỉ https://map.itrithuc.vn.

Tính đến ngày 16/01/2019, cả nước đã thu thập khoảng 1.700.000 địa chỉ, trong đó riêng tỉnh Phú Yên và Hậu Giang (địa phương triển khai đầu tiên) đã cơ bản hoàn thành việc thu thập dữ liệu địa chỉ của toàn tỉnh. Cụ thể, tỉnh Phú Yên thu thập được 219.279 địa chỉ; Hậu Giang: 181.255 địa chỉ.

“Bưu điện Việt Nam cam kết sẽ thực hiện đúng ngay từ đầu, đảm bảo tiến độ, kế hoạch theo yêu cầu của Chính phủ, phấn đấu đến quý 2/2019 bản đồ số Việt Nam có thể đi vào vận hành và khai thác”, ông Vinh chia sẻ.

Nguyễn Hùng