Bãi biển Cửa Đại sạt lở nặng do thiếu hụt bùn cát

(Dân trí) - Đó là khẳng định của PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi – giảng viên cao cấp ĐH Quốc gia Hà Nội – tại buổi đối thoại bàn tròn cấp cao về Quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và vùng bờ Đà Nẵng – Quảng Nam: Một cách tiếp cận”Từ đầu nguồn xuống biển”.

Buổi đối thoại do tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) thông qua Sáng kiến rừng ngập mặn cho tương lai (MFF) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam và UBND TP Đà Nẵng tổ chức ngày 24/11 tại TP Hội An.


Các đại biểu là chuyên gia, nhà quản lý… bàn về quản lý lưu vực Vu Gia – Thu Bồn ngày 24/11 tại Hội An

Các đại biểu là chuyên gia, nhà quản lý… bàn về quản lý lưu vực Vu Gia – Thu Bồn ngày 24/11 tại Hội An

Lưu vực sông và vùng bờ biển là hai hệ thống tự nhiên liên kết với nhau về mặt không gian và có tầm quan trọng đặc biệt đối với tài nguyên nước và các dạng tài nguyên thiết yếu khác phục vụ sự phát triển của Quốc gia và đời sống con người. Cách quản lý truyền thống, thiếu liên ngành, liên vùng và chưa xem xét ảnh hưởng của lưu vực sông tới vùng bờ biển hiện nay đang đẩy các lưu vực sông và vùng bờ biển vào thế phát triển thiếu bền vững.

Trước tình hình đó, quản lý tổng hợp lưu vực sông và vùng bờ biển một cách tiếp cận “Từ đầu nguồn xuống biển” đã được khởi xướng và được nhiều tổ chức quốc tế trong đó của IUCN thúc đẩy và áp dụng thí điểm.

Đây là phương thức quản lý nhấn mạnh đến hai nguyên tắc then chốt: Tính phụ thuộc lẫn nhau của hệ thống lưu vực sông và vùng bờ/biển, và tính lồng ghép về thể chế và cơ chế chính sách, tính liên vùng, liên tỉnh trong quản lý lưu vực sông và vùng bờ biển.

​Bãi biển Cửa Đại bị sạt lở nặng có nguyên nhân từ việc khai thác khoáng sản bừa bãi ở lưu vực Vu Gia – Thu Bồn
​Bãi biển Cửa Đại bị sạt lở nặng có nguyên nhân từ việc khai thác khoáng sản bừa bãi ở lưu vực Vu Gia – Thu Bồn

Tại Việt Nam, lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng bờ biển Quảng Nam-Đà Nẵng được lựa chọn nghiên cứu nhằm áp dụng thử nghiệm phương thức quản lý mới này với sự trợ giúp kỹ thuật của IUCN thông qua Chương trình rừng ngập mặn cho tương lai (MFF).

Theo nhận định của PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn là một trong số lưu vực sông lớn ở nước ta có ảnh hưởng trực tiếp xuống vùng bờ biển Quảng Nam-Đà Nẵng. Các hoạt động phát triển kinh tế mạnh mẽ cùng với cách tiếp cận quản lý tài nguyên nước hiện nay chưa hoàn toàn phù hợp với lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam-Đà Nẵng. Đây chính là nhân tố làm suy giảm chức năng và sự sống của lưu vực và là yếu tố trở ngại cho phát triển kinh tế-xã hội của TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam trong tương lai.

“Cần tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp giữa tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng, giữa các ban, ngành và các bên liên quan để quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng bờ biển Quảng Nam-Đà Nẵng. Nếu thực hiện tốt được, đây sẽ là mô hình nên nhân rộng cho các lưu vực sông khác có điều kiện tương tự ở nước ta”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho biết thêm.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi trao đổi với PV

Về vấn đề bãi biển Cửa Đại bị sạt lở nặng trong những năm gần đây, theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho biết có nhiều nguyên nhân, trong đó một trong những nguyên nhân chính là thiếu hụt lượng bùn cát, các nguyên nhân khác cũng góp phần làm bãi biển Cửa Đại sạt lở mạnh như nhiều thủy điện ở thượng nguồn chặn dòng, khai thác cát quá nhiều trên sông, các khu nghỉ dưỡng xây dựng dày đặt…

Tiến sĩ Vũ Thanh Ca - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế và Khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, đồng thời là Trưởng ban điều phối Quốc gia – Chương trình MFF Việt Nam, chia sẻ: “Chúng tôi tin tưởng rằng với những kinh nghiệm phối hợp quản lý lưu vực đã có ở Việt Nam và những kinh nghiệm học được từ cơ chế điều phối, hợp tác liên vùng, liên quốc gia trên thế giới và trong khu vực Đông Á, thỏa thuận phối hợp giữa tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng sẽ giúp quản lý tốt hơn lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng bờ biển Quảng Nam-Đà Nẵng để phát triển bền vững trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả nhất những nguồn tài nguyên sẵn có”.

Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam – ông Lê Trí Thanh - cho rằng, các ý kiến và kinh nghiệm của các nhà quản lý, các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý tổng hợp lưu vực sông và vùng bờ biển đã giúp tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng có thêm năng lực quản lý tổng hợp lưu vực sông, vùng bờ biển theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế các lưu vực sông, vùng bờ biển, góp phần bảo vệ tốt sự đa dạng của tài nguyên thiên nhiên tại địa phương.

Với những nỗ lực không ngừng từ phía IUCN cũng như từ phía chính quyền Quảng Nam và Đà Nẵng, bước đầu các bên liên quan đã đạt được sự đồng thuận về dự thảo thỏa thuận phối hợp giữa UBND TP Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam về áp dụng thử nghiệm “Quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng bờ biển Quảng Nam-Đà Nẵng”.

Đây cũng là là bước tiến quan trọng tăng cường phối hợp và chia sẻ thông tin giữa tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng và các bên liên quan để quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng bờ biển Quảng Nam-Đà Nẵng, tiến tới hài hòa giữa phát triển kinh tế, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, các hệ sinh thái và các nguồn tài nguyên tái tạo trên lưu vực sông và vùng bờ biển.

Dựa trên cơ sở thỏa thuận này, một thể chế liên tỉnh-thành phố để quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng bờ biển Quảng Nam-Đà Nẵng sẽ được thiết lập gồm Ban điều phối chung, cơ quan đầu mối, và xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể cho giai đoạn thử nghiệm.

Công Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm