Ba bước đơn giản để làm chủ bất kì lĩnh vực mới nào
(Dân trí) - Khi chúng ta già đi, việc học một thứ gì đó mới trở nên phức tạp, tẻ nhạt và tốn thời gian hơn bao giờ hết, và thế là “những thiên tài trẻ tuổi có thể nói được năm ngôn ngữ khác nhau” trở thành đề tài yêu thích quen thuộc, bởi vì chúng ta luôn tự hỏi làm thế nào chúng có thể xuất sắc như thế nhỉ?
Nhưng việc tìm hiểu những môn học mới hay lĩnh vực không quen thuộc, cho dù bạn vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường hay không, đều không phải là vấn đề quá khó nhọc. Lấy nhà vật lý đoạt giải Nobel, Richard Feynman là một ví dụ điển hình. Và ông đã tìm ra một công thức ba bước mà làm cho bạn học bất cứ điều gì không chỉ nhanh hơn, mà còn sâu hơn nhiều.
Bước 1: Dạy môn học đó cho một đứa trẻ
Lấy một cuốn sổ tay ra, viết chủ đề bạn đang học ở đầu trang, và giải thích nó, từ đầu đến cuối, giống như bạn đang giải thích nó cho một đứa trẻ vậy.
Nếu sự thắc mắc đầu tiên của bạn là "Ừm, làm thế nào để tôi giải thích cơ học lượng tử cho một đứa trẻ?" thì hãy nhớ rằng xkcd (một truyện tranh Web về lãng mạn, châm biếm, toán học, và ngôn ngữ được viết bởi Randall Monrue) đã từng giải thích về khoa học tên lửa chỉ sử dụng 1.000 từ phổ biến nhất bằng tiếng Anh.
Mấu chốt là đây - khi bạn viết ra lời giải thích cho một đứa trẻ tám tuổi, bạn không thể dùng những thuật ngữ phức tạp mà bạn thực sự không hiểu.
Ông Parrish nói:"Khi bạn viết ra một ý tưởng từ đầu đến cuối bằng ngôn ngữ đơn giản mà một đứa trẻ có thể hiểu được (mẹo: chỉ sử dụng những từ phổ biến nhất), bạn buộc mình phải hiểu khái niệm ở mức sâu hơn và đơn giản hóa sự kết nối giữa các ý tưởng".
“Nếu bạn cố gắng, bạn sẽ có những hiểu biết rõ ràng về những thứ trước đây bạn còn mơ hồ.”
Bước 2: Xem xét lại các lỗ hổng kiến thức của bạn
Bây giờ bạn đã xác định được lỗ hổng kiến thức của mình về lĩnh vực đó ở đâu. Việc cần làm là nghiên cứu cụ thể, tìm câu trả lời và lặp lại Bước 1. Tiếp tục làm việc này cho đến khi không còn thấy thiếu hụt kiến thức về lĩnh vực đó nữa.
Bước 3: Hệ thống kiến thức và đơn giản hóa
Bây giờ đã đến lúc bạn có một lời giải đầy đủ cho lĩnh vực mới này, nhưng lời giải ấy phải thật đơn giản và dễ hiểu (đến mức một đứa trẻ cũng có thể nắm được).
Bạn phải thật cố gắng để đơn giản hóa nó, và đọc to những kiến thức đó lên, như vậy bạn sẽ nhận ra được bất cứ thông tin nào còn vướng mắc hoặc chưa chắc chắn lắm.
Bước 4 (tùy chọn): Thử làm những điều trên với người thật
Bạn có thể nhờ một đứa trẻ 8 tuổi nghe và cố gắng giải thích cho nó, nhưng bạn phải nghĩ đến trường hợp nó không thể tập trung mà nghe lâu được, nếu không hãy tìm một người bạn của bạn để ngồi nghe bạn giảng.
Nếu họ không hiểu lời bạn giảng và bạn không thể giải thích nó một cách rõ ràng hơn–chắc chắn là bạn đã chưa thực sự nắm vững kiến thức ở đâu đấy rồi.
Và đó là phương pháp giúp bạn học nhớ kĩ và nhớ sâu một lĩnh vực mới hoặc môn học mới của nhà vật lí Feynman.
Không có cách nào khác (spoiler: không có), bạn vẫn phải học, nhưng nếu bạn học đúng phương pháp, đảm bảo bạn sẽ có một tầm hiểu biết sâu sắc về chủ đề mà bạn đang cố tìm hiểu.
Hoàng Hằng
Theo Science Alert