AI dự đoán số phận hành tinh, chạm ngưỡng sự thật
(Dân trí) - AI tạo ra các hình ảnh dự đoán về tương lai của hành tinh, chúng ta sẽ phải đối mặt với những cơn ác mộng về khí hậu. Điều này hoàn toàn có thể trở thành sự thật.
Những dự đoán của trí tuệ nhân tạo (AI) về tương lai của hành tinh chúng ta dựa trên các cụm từ chính trong báo cáo mới đây của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu thuộc Liên Hợp Quốc (IPCC) về tình trạng nóng lên toàn cầu, hậu quả và các giải pháp. Kết quả khiến chúng ta phải lo ngại.
Bức tranh nói lên ngàn lời nói
Những bức tranh do AI tạo ra mang viễn cảnh đáng sợ, liên quan đến những cơn ác mộng về khí hậu. Dưới đây là một số hình ảnh và những dự đoán của trí tuệ nhân tạo về thời tiết thế giới trong tương lai.
Thế giới cần hành động mạnh mẽ để hạn chế sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra. Để làm được điều này, các quốc gia phải nhanh chóng đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không.
Lượng khí CO2 (khí nhà kính) mà con người tiếp tục thải ra sẽ quyết định nhiệt độ trung bình thế giới vượt quá 1,5-2 độ C hay không.
Với tốc độ hiện tại, lượng khí thải CO2 từ các ngành công nghiệp hóa thạch sẽ khiến nhiệt độ trung bình Trái Đất vượt quá ngưỡng 1,5⁰C, so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Sự thích ứng kém của các quốc gia ở một số lĩnh vực và khu vực nhất định là thách thức lớn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, kinh phí phân bổ cho hoạt động thích ứng với vấn đề này hiện không đủ, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.
Thế giới phải tăng tốc tìm kiếm các giải pháp, khả năng phục hồi khi đối mặt với khí hậu.
Các quốc gia cần phải có một lộ trình chuyển đổi nhanh chóng và sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực để hạn chế lượng khí thải carbon, khí gây hiệu ứng nhà kính và đảm bảo một tương lai đáng sống và bền vững cho nhân loại.
250.000 người chết mỗi năm do biến đổi khí hậu
Hậu quả từ sự nóng lên toàn cầu vượt quá 1,5⁰C so với mức độ tiền công nghiệp gây ra mối đe dọa lớn đối với sức khỏe con người và khiến nhiều khu vực trên hành tinh không thể sinh sống được.
Những gì AI dự đoán về biến đổi khí hậu hoàn toàn có thể trở thành sự thật.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dự kiến sẽ có thêm 250.000 người chết mỗi năm do biến đổi khí hậu, trong khi số liệu thống kê cho thấy cứ bốn ca tử vong thì có một người đến từ các nguyên nhân môi trường có thể phòng ngừa được.
Cơ quan Liên Hợp Quốc cho biết nhiệt độ tăng, thời tiết khắc nghiệt, ô nhiễm không khí, cháy rừng, khủng hoảng nước và lương thực không chỉ dẫn đến thiệt mạng, còn làm trầm trọng thêm các bệnh truyền nhiễm hay những căn bệnh liên quan đến nhiệt độ.
"Chính việc con người sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang gây ra biến đổi khí hậu và giết chết chúng ta", Vanessa Kerry, đặc phái viên của WHO về biến đổi khí hậu và sức khỏe cho biết.
Các nhà khí hậu học cho biết: "Nếu chính phủ các quốc gia trên thế giới duy trì chính sách môi trường hiện tại, sự nóng lên toàn cầu trong thế kỷ 21 này sẽ ở mức 2,3-3,3 độ C".
Hậu quả của việc này là vô cùng khủng khiếp, cụ thể đến năm 2050 khoảng 1,6 tỷ người tại 970 thành phố trên thế giới (chiếm 55% dân số) sẽ phải sống trong môi trường với mức nhiệt độ trung bình 3 tháng đạt ít nhất 35 độ C.
Hai quốc gia Ấn Độ và Pakistan đã phải gánh chịu hậu quả trong năm nay. Tháng 3-5, nhiệt độ tại một số thành phố đã ghi nhận mức nhiệt kỷ lục 50 độ C.
Đợt nắng nóng đặc biệt dữ dội và sớm này đã khiến 90 người dân Ấn Độ tử vong và gây ra tình trạng cắt điện, thiếu nước cho hàng triệu người.
Kể từ năm 2010, các đợt nắng nóng đã giết chết hơn 6.500 người ở Ấn Độ. Trong khi, một phần lớn dân số Ấn Độ sống trong các khu dân cư có thu nhập thấp và do đó càng dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ khắc nghiệt.
Các thành phố ven biển cũng đang bị đe dọa đặc biệt bởi biến đổi khí hậu: người dân sẽ phải đối phó với tình trạng lũ lụt ngày càng thường xuyên và lan rộng do mực nước biển dâng cao từ việc băng tan ở các cực.
Trong 50 năm qua, số lượng các thảm họa liên quan đến thời tiết đã tăng gấp 5 lần gây thiệt hại 202 triệu đô la mỗi ngày.
Điều này khiến các chuyên gia phải thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới thiết lập các hệ thống cảnh báo sớm những rủi ro về biến đổi khí hậu (với khoảng một nửa quốc gia trên thế giới đang không có hệ thống này) để có thể hạn chế thiệt hại vật chất và con người do vấn đề này gây ra.