1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

5 thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử ngành hàng không vũ trụ

Minh Khôi

(Dân trí) - Tổng cộng đã có 21 phi hành gia và các nhà du hành vũ trụ thiệt mạng trong các thảm họa không gian. Đa số thời điểm xảy ra sự cố là lúc diễn ra quá trình cất cánh hoặc hạ cánh con tàu.

5 thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử ngành hàng không vũ trụ - 1

Năm 1986, tàu con thoi Challenger phát nổ 73 giây sau khi cất cánh, khiến tất cả những người trên tàu thiệt mạng (Ảnh: Getty Images).

Sau hàng triệu năm kể từ khi tổ tiên của chúng ta tìm ra cách dùng lửa và phát minh ra bánh xe, con người đã thực sự vươn tới các vì sao, và bắt đầu cho hành trình khám phá không gian.

Thế nhưng để đến với thành công đó, không ít phi hành gia đã bỏ lại sinh mạng quý giá của mình trong khi cố gắng làm sáng tỏ những gì đang ẩn sâu ngoài vũ trụ.

1. Sứ mệnh Apollo 1 (1967)

5 thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử ngành hàng không vũ trụ - 2

Edward White, Virgil Grissom và Roger Chaffee đều đã thiệt mạng trên tàu Apollo 1 vào ngày 27/1/1967 (Ảnh: Getty Images).

Vào ngày 27/1/1967, cả Mỹ khi ấy đã hướng về sứ mệnh không gian lịch sử, với sự tham gia của 3 phi hành gia là Virgil Grissom, Edward White và Roger Chaffee. Đây được xem là sứ mệnh không gian có người lái đầu tiên của nước Mỹ nói riêng, và trên thế giới nói chung.

Tuy nhiên, cả ba phi hành gia đã thiệt mạng sau khi một sự cố xảy ra, khiến ngọn lửa bùng lên ở mô-đun chỉ huy của họ trong một buổi phóng thử nghiệm tại Trạm Không quân Cape Canaveral, Florida, Mỹ.

Nguyên nhân của vụ cháy là do một tia lửa điện đã vô tình được tạo ra trong khoang chứa oxy tinh khiết, khiến cho mọi thứ nổ tung. Sai sót ngoài mong muốn trong khâu thiết kế cũng đã khiến lực lượng cứu hộ không thể kịp mở cửa thoát hiểm để cứu mạng các phi hành gia xấu số.

2. Sứ mệnh Soyuz 1 (1967)

5 thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử ngành hàng không vũ trụ - 3

Vladimir Komarov là người đầu tiên bỏ mạng trong một chuyến bay ra ngoài không gian (Ảnh: Getty Images).

Cuộc chạy đua trong lĩnh vực hàng không vũ trụ giữa Liên Xô và Mỹ vào cuối những năm 1960 đã giúp cả hai có được động lực thúc đẩy cần thiết, nhưng cũng gây ra nhiều thiệt hại ngoài mong muốn. Và một trong số đó là tai nạn cướp đi mạng sống của nhà du hành vũ trụ người Nga Vladimir Komarov.

Khi ấy, sứ mệnh Soyuz 1 được khởi động chỉ 3 tháng sau thảm họa Apollo 1, trong bối cảnh Liên Xô lo sợ Mỹ sẽ dẫn đầu trong cuộc chạy đua vũ trụ, nên đã gấp rút tìm cách đưa phi công Vladimir Komarov lên Mặt Trăng.

Tuy nhiên, một sự cố đã xảy ra, khiến một trong hai tấm pin Mặt Trời cung cấp năng lượng cho con tàu đã không mở được. Giới chức Liên Xô khi ấy đã hủy bỏ phóng mô-đun thứ hai và sau đó chỉ đạo Komarov trở về Trái Đất.

Trong lúc bay về, khi đạt tới độ cao 23.000 feet, dù của con tàu tiếp tục gặp một sự cố khác nên đã không thể mở được. Kết cục là Komarov đã lao thẳng xuống mặt đất và tử vong trong một vụ nổ kinh hoàng, khiến ông trở thành người đầu tiên thiệt mạng trong một chuyến bay vũ trụ.

3. Sứ mệnh Soyuz 11 (1971)

5 thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử ngành hàng không vũ trụ - 4

Ba nhà phi hành gia thiệt mạng trong sứ mệnh Soyuz 11 (Ảnh: Getty Images).

Ngày 6/6/1971, ba phi hành gia là Georgi Dobrovolsky, Vladislav Volkov và Viktor Patsayev đã bay vào vũ trụ thành công trên tàu Soyuz 11 để thực hiện sứ mệnh kết nối và kết nối với Salyut 1 - trạm vũ trụ của Liên Xô được đặt trong quỹ đạo trước đó 2 tháng.

Mọi chuyện đều diễn ra tốt đẹp, tới khi họ rời Salyut 1 vào ngày 30/6 và bắt đầu hành trình trở về Trái Đất. Khi các phi hành gia bắt đầu tách khoang tái nhập với các phần khác của tàu Soyuz, một van quan trọng bị mở ra.

Ở độ cao hàng trăm km trên Trái Đất, tàu vũ trụ Soyuz bất ngờ rơi vào môi trường gần như không trọng lực của không gian. Khi tàu vũ trụ bị giảm áp nhanh chóng, phi hành gia Patsayev cố gắng đóng chiếc van bị mở bằng tay nhưng không thành công.

Chỉ vài phút sau, cả ba phi hành gia đã tử nạn. Nguyên nhân gây ra cái chết là do ngạt thở.

4. Thảm họa tàu con thoi Challenger (1986)

5 thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử ngành hàng không vũ trụ - 5

Christa McAuliffe, một giáo viên kiêm chuyên gia về trọng tải đầu tiên trong không gian, là 1 trong 7 người đã thiệt mạng trong thảm họa tàu Challenger năm 1986 (Ảnh: Getty Images).

Thảm họa tàu con thoi Challenger xảy ra vào ngày 28/1/1986, khi tàu con thoi Challenger thực hiện sứ mệnh STS 51-L nhằm phóng vệ tinh TDRS-B và thực hiện chương trình "Giáo viên trong vũ trụ".

Sau 73 giây, con tàu nổ tung trên bầu trời Đại Tây Dương, miền trung bang Florida đúng 11:38 trưa (16:38 UTC), khiến toàn bộ phi hành đoàn gồm 7 người tử nạn.

Nguyên nhân của thảm họa này là do nhiệt độ xuống thấp vào ban đêm, đã khiến các vòng đệm bằng cao su trong tên lửa đẩy bị hỏng. Sự cố này đã gây ra việc rò rỉ khí nóng có áp suất cao bên trong tên lửa, sau đó thổi trực tiếp vào bình nhiên liệu gắn ngoài và các phần lân cận.

5. Thảm họa tàu con thoi Columbia (2003)

5 thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử ngành hàng không vũ trụ - 6

Tàu con thoi Columbia gặp sự cố khi quay trở lại Trái Đất ở độ cao xấp xỉ 62 km, khiến các thành viên phi hành đoàn thiệt mạng (Ảnh: Getty Images).

Sau khi thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1981, tàu con thoi Columbia của Mỹ đã chứng tỏ nó một con tàu cực kỳ an toàn và có thể đảm nhiệm những sứ mệnh đặc biệt.

Tuy nhiên vào ngày 1/2/2003, tàu Columbia đã gặp sự cố khiến nó bị vỡ trong lúc chuẩn hạ cánh ở độ cao 203.000 feet (61.900 mét) sau một nhiệm vụ kéo dài 16 ngày trên không gian, khiến toàn bộ 7 phi hành gia trên tàu thiệt mạng.

Nguyên nhân tai nạn là một lỗ trên cánh trái của tàu, được tạo ra sau khi miếng gốm cách nhiệt va vào cánh trong lúc tàu được phóng 16 ngày trước đó.

Sau khi phân tích các mảnh vỡ của tàu Columbia, nhóm điều tra nhận thấy các phi hành gia đã bật nhiều nút trong cabin ngay sau khi những tiếng còi báo động vang lên. Họ cũng đã cố khởi động lại hệ thống điều khiển tự động của tàu, nhưng không thể sống sót thành công.