5 bí mật chưa từng biết về vị vua bí ẩn của Ai Cập cổ đại

Phạm Hường

(Dân trí) - Cách đây 100 năm, hiểu biết của chúng ta về Ai Cập cổ đại thay đổi hoàn toàn khi phát hiện lăng mộ của vua Tutankhamun.

5 bí mật chưa từng biết về vị vua bí ẩn của Ai Cập cổ đại - 1

Lăng mộ của vị vua này được phát hiện vào ngày 4/11/1922 ở Thung lũng các nhà vua, ở Ai Cập.

Vua Tutankhamun sinh vào khoảng năm 1305 trước Công nguyên và trị vì chỉ trong khoảng 10 năm, nhưng lăng mộ của ông được xây cất và trang hoàng với mức độ giàu có chưa từng thấy trước đó.

Việc tìm thấy vua Tutankhamun ở nơi chôn cất đầu tiên của ông cùng với đầy đủ những tài sản được chôn kèm khiến chúng ta có cảm giác có một mối liên hệ với quá khứ nguyên thủy. Cảm giác này đưa chúng ta ngược thời gian trở về lễ tang của vị vua trẻ tuổi này.

Các nghiên cứu về cuộc đời của vua Tutankhamun thường bị phủ bóng bởi những lời đồn giật gân xung quanh việc phát hiện ra lăng mộ của ông, ví dụ như những tiếng thì thầm văng vẳng về một lời nguyền của ma quỷ.

Nhưng nếu cứ để những lời đồn đè nặng lên cách nhìn về chính con người của vị vua này, chúng ta sẽ không bao giờ biết được sự thật.

Cái chết của vua Tutankhamun vẫn là một bí ẩn

Thật khó để tìm ra nguyên nhân cái chết của một người từng sống từ thời xa xưa. Vua Tutankhamun cũng không phải là ngoại lệ.

Người Ai Cập cổ đại không sống lâu như chúng ta ngày nay vì họ không có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt như chúng ta, nhưng vua Tutankhamun chết vào khoảng năm 19 tuổi thì vẫn là quá trẻ so với cả người Ai Cập thời đó.

Mới đây, các nhà nghiên cứu đã tiến hành chụp X quang, chụp cắt lớp vi tính, xét nghiệm ADN và phát hiện ra rằng vua Tutankhamun đã bị sốt rét cùng với một số điều kiện sức khỏe bất lợi khác, như là hở hàm ếch. Ông cũng đã bị gãy chân.

Những thông tin này có thể giúp chúng ta hình dung ra tình trạng sức khỏe của ông trước khi chết. Mặc dù không thể nói chính xác nguyên nhân dẫn đến cái chết nhưng ít nhất có thể thấy không có dấu hiệu ông ta bị ám sát.

Vua Tutankhamun được chôn với rất nhiều hoa, một điều đặc biệt trong các nghi lễ Ai Cập cổ đại

Khi lăng mộ của vua Tutankhamun được khai quật vào năm 1922, người ta thấy ông đeo một vòng hoa ở cổ. Vòng hoa này vẫn trong tình trạng tốt vì nó được giữ trong chiếc quan tài đóng kín cùng với chủ nhân.

Nhiều xác ướp khác cũng đeo vòng hoa đám ma, nhưng vòng hoa của vua Tutankhamun là vòng hoa tang lễ của vua chúa duy nhất được bảo quản nguyên vẹn y như lúc những người làm lễ đeo vào cho người chết.

Đối với người Ai Cập cổ đại, hoa có một ý nghĩa rất quan trọng. Họ vẽ hình những vườn hoa trên tường của lăng mộ. Hoa được yêu quý bởi vẻ đẹp, hương thơm và tính biểu tượng của chúng.

Các nghiên cứu về hoa và quả được kết trong vòng hoa đeo cổ của vua Tutankhamun cho thấy ông được chôn vào khoảng từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 4. Công tác chuẩn bị cho lễ tang mất khoảng 70 ngày, suy ra là ông chết vào mùa đông.

Khuôn mặt của vua Tutankhamun được bảo quản bằng kỹ thuật đặc biệt

5 bí mật chưa từng biết về vị vua bí ẩn của Ai Cập cổ đại - 2

Khuôn mặt của vua Tutankhamun - hiện vật được trưng bày trong chiếc hộp bảo quản đặc biệt để tránh tác động của khí hậu, đặt trong lăng mộ của ông ở Thung lũng các nhà vua, năm 2007 (Ảnh: Cris Bouroncle/AFP).

Người Ai Cập cổ đại có một "công thức" ướp xác. Sau khi lấy não và nội tạng ra khỏi xác chết, họ dùng một loại muối gọi là natron để làm khô xác. Bằng cách này, xác ướp có thể tồn tại hàng nghìn năm, nhưng nó bị khô quắt lại, nhìn rất kinh dị.

Người Ai Cập cổ đại tin rằng linh hồn cần được trở về với thân thể để tiếp tục sống ở kiếp sau, nhưng để được như vậy, linh hồn cần nhận ra được đúng thân xác của mình. Vì vậy, để cho khuôn mặt của vua Tutankhamun giống với lúc còn sống, các chất dùng để ướp ví dụ như nhựa thông đã được đưa vào dưới da mặt để giữ cho da mặt được căng mà không héo quắt.

Cho đến gần đây, người ta vẫn tin rằng vua Tutankhamun được ướp xác qua loa, nhanh chóng vì ông chết quá đột ngột, nhưng kiểm tra gần đây bằng chụp cắt lớp vi tính cho thấy điều đó không đúng. Để bảo quản khuôn mặt của ông như vậy, người xưa đã tốn rất nhiều thời gian và cần nhiều kinh nghiệm.

Vua Tutankhamun có người đồng hành trong chuyến đi sang thế giới bên kia

5 bí mật chưa từng biết về vị vua bí ẩn của Ai Cập cổ đại - 3

Ảnh chụp hai xác ướp được đánh số 317a và 317b là con của vua Tutankhamun (Ảnh: Wikipedia Commons).

Thường thì người ta vẫn nghĩ rằng giống như các vị vua khác, vua Tutankhamun nằm cô độc trong lăng mộ lộng lẫy của mình, nhưng thực tế ông không phải người duy nhất được chôn ở đây.

Hai chiếc quan tài bé nhỏ đã được tìm thấy trong một chiếc hòm gỗ nằm giữa các báu vật trong lăng.

Một nghiên cứu được công bố năm 2011 cho biết trong hai chiếc quan tài này là hai bào thai bé gái. Một bào thai khoảng 5-6 tháng tuổi và một khoảng 9 tháng, chết vào khoảng thời điểm được sinh ra.

Rất có thể đây là hai người con gái của vua Tutankhamun với vợ ông, hoàng hậu Ankhesenamun và cả hai đứa trẻ đều chết trước người cha.

Rất hiếm khi các thai nhi được ướp xác. Người Ai Cập cổ đại có ướp xác trẻ em nhưng trẻ nhỏ đến mức này thì rất lạ.

Việc mất con đương nhiên là rất đau lòng với vua Tutankhamun, vì thế ông muốn chúng đi cùng sang thế giới bên kia.

Nổi tiếng không phải lúc nào cũng tốt đối với vị vua này

5 bí mật chưa từng biết về vị vua bí ẩn của Ai Cập cổ đại - 4

Vòng hoa đeo cổ của vua Tutankhamun (Ảnh: Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan).

Như nhiều người nổi tiếng ngày nay cũng xác nhận, có danh tiếng không phải lúc nào cũng là điều hay. Với vua Tutankhamun thì đúng là như vậy, những nghiên cứu khoa học đầy tính ganh đua đã làm hỏng xác của ông. 

Xác của vị vua này là xác ướp được tìm hiểu nhiều nhất trên thế giới, có khi chỉ thua mỗi xác ướp của Người tuyết Otzi.

Những nghiên cứu gần đây nhất bằng phương pháp chụp cắt lớp vi tính chi tết đã cho thấy cơ thể của ông không còn nguyên vẹn, thậm chí còn không được lành lặn.

Cuộc nghiên cứu đầu tiên được tiến hành năm 1925, ngay sau khi người ta tìm ra lăng mộ của ông. Do nóng lòng muốn tìm hiểu, các nhà giải phẫu đã cố gắng gỡ xác của ông ra khỏi quan tài trong khi xác bị dính chặt vì nhựa thông. Việc xử lý nóng vội này đã làm gãy rời chân tay và đầu ra khỏi thân. 

Xác của vua Tutankhamun là xác ướp vua chúa duy nhất còn được để lại trong hầm mộ ở Ai Cập. Vào một thời điểm nào đó, có thể là trong Chiến tranh thế giới thứ 2, lăng mộ của ông lại một lần nữa bị người ta xâm nhập. Một vài chiếc xương sườn của ông đã bị lấy mất, có thể vì lí do tìm kiếm bùa ngải hoặc châu báu.

Khoa học đã giúp chúng ta hiểu hơn về sức khỏe, cuộc sống và sự chuẩn bị của vua Tutankhamun cho việc bước vào kiếp sau. Những gì ông để lại không chỉ là một nghiên cứu để hiểu về cuộc sống cá nhân của một người cổ đại mà còn là một quá trình nghiên cứu được ghi lại, trong đó có các kiến thức khoa học trong một giai đoạn lịch sử thông qua cuộc sống của một vị vua trẻ tuổi.