3 vấn đề lớn được quan tâm tại Ngày hội AI Việt Nam 2022
(Dân trí) - Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2022 chính thức diễn ra với 3 phiên thảo luận, nhằm đánh giá và xác định tiềm năng của AI tại Việt Nam trong việc phục hồi kinh tế, định hình tương lai.
Sự kiện Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2022 (AI4VN 2022) do báo VnExpress tổ chức dưới sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, quy tụ hàng trăm chuyên gia, nhà quản lý, công nghệ, đào tạo và doanh nghiệp (DN)... lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) trong nước và quốc tế. Các hoạt động đầu tiên đã bắt đầu từ chiều 22/9.
Với chủ đề "Phục hồi kinh tế - Định hình tương lai", AI4VN 2022 gồm 3 phiên hội thảo chuyên đề, gồm: Giải pháp AI trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng; Đào tạo và kết nối nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo; Tự động hóa trong sản xuất.
Trong đó, tiềm năng của AI trong việc giúp DN Việt tăng doanh thu, giảm rủi ro trong các loại hình kinh doanh, là điều được các khách mời quan tâm hơn cả.
Tăng doanh thu, giảm rủi ro nhờ ứng dụng AI
Tại nội dung "Giải pháp AI trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng", ông Phạm Quang Vinh, Giám đốc Giải pháp DN, Trung tâm Không gian mạng Viettel trích dẫn báo cáo mới nhất của Accenture, cho biết lĩnh vực ngân hàng đang chứng kiến sự bùng nổ của AI, với việc hơn 60% công ty hoạt động trong lĩnh vực này đang thử nghiệm AI.
"AI sẽ trở thành phương thức chính thức để khách hàng tương tác với các DN trong nước, đặc biệt là ngân hàng", ông Vinh chia sẻ. Trong đó, nhiều công ty đã ghi nhận mức doanh thu cao hơn 50% so với các đối thủ cạnh tranh nhờ ứng dụng AI hiệu quả.
Ông Đặng Hoàng Vũ, Giám đốc AI mảng Tăng trưởng Kinh doanh của MoMo thì cho rằng việc ứng dụng AI đã giảm tỷ lệ rủi ro của dịch vụ ví trả sau tới 64%, và dịch vụ vay nhanh là 15%.
Về hiệu quả kinh doanh, ông cũng cho biết trong vòng 6 tháng ứng dụng AI, dịch vụ vay nhanh của MoMo đã tăng trưởng 260%; và ví trả sau tăng 42%.
Nguồn nhân lực là vấn đề khó khăn
Bất chấp những hiệu quả của AI trong thực tiễn, việc hình thành và củng cố hệ sinh thái bền vững ở Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, mà tiêu biểu trong số đó là thiếu hụt nguồn lao động.
Ông Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam cho biết: "Chúng ta vẫn đang thiếu nguồn nhân lực AI, trong khi đào tạo chủ yếu vẫn ở lĩnh vực nghiên cứu".
Đồng tình với quan điểm này, TS. Đinh Minh, Chủ nhiệm cấp cao chương trình Thạc sĩ Trí tuệ Nhân tạo, RMIT đánh giá lĩnh vực đào tạo AI tại Việt Nam hiện chỉ đáp ứng khoảng 10% yêu cầu tuyển dụng.
Trong đó, khó khăn còn đến từ việc chưa thể tìm được các chuyên gia có đủ kiến thức về trí tuệ nhân tạo như Machine Learning, ngôn ngữ... để theo kịp sự phát triển của thế giới.
Ngoài ra, việc đào tạo AI còn đòi hỏi cơ sở hạ tầng và chi phí là khá lớn. Đây được xem là một khó khăn của các cơ sở đào tạo từ cấp đại học trong nước, buộc họ phải viện trợ sự giúp đỡ từ các DN có nguồn lực.
Bên cạnh các phiên thảo luận sôi nổi, AI4VN 2022 còn bao gồm triển lãm các sản phẩm, giải pháp ứng dụng AI với sự tham gia của hơn 20 DN, viện nghiên cứu, trường đại học...
Tại triển lãm, khách tham quan có cơ hội trải nghiệm sản phẩm, tìm hiểu các ứng dụng AI do các DN trong nước và nước ngoài phát triển. Đây cũng là cơ hội để các đơn vị quảng bá và kết nối với các đối tác tiềm năng.