1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

3 hiện tượng thiên văn kỳ thú xuất hiện cùng trong một bức ảnh

Minh Khôi

(Dân trí) - Bức ảnh được chụp tại địa điểm Lâu đài Corfe (Anh) ghi nhận khoảnh khắc diễn ra cùng lúc 3 hiện tượng thiên văn độc đáo.

3 hiện tượng thiên văn kỳ thú xuất hiện cùng trong một bức ảnh - 1

3 hiện tượng thiên văn kỳ thú xuất hiện cùng trong một bức ảnh (Ảnh: Josh Dury).

Khi nhiếp ảnh gia người Anh Josh Dury bắt đầu chụp ảnh trận mưa sao băng Perseid xảy ra vào các đêm 12/8 và 13/8, anh không ngờ rằng mình sẽ được chứng kiến một "màn trình diễn vũ trụ" thực sự đặc biệt với đầy màu sắc.

Theo Space, bức ảnh mà Dury chụp được không chỉ bao gồm hình ảnh của mưa sao băng Perseid, mà còn xuất hiện thêm ít nhất 2 hiện tượng thiên văn độc đáo khác.

Đó là cực quang phương Bắc và ánh sáng khí quyển hiếm có - được gọi là vòng cung SAR - chạy dọc theo tinh vân Tiên Nữ (Andromeda) và tinh vân Tam giác (Triangulum).

"Đây chắc chắn là bức ảnh có một không hai", Josh Dury chia sẻ trong bài đăng trên mạng xã hội X. "Bạn có thể thấy rõ cả 3 hiện tượng thiên văn xảy ra cùng một lúc trên bầu trời".

Được biết, Dury lựa chọn Lâu đài Corfe có từ thế kỷ 11 làm bối cảnh cho bức ảnh của mình vì đây là địa điểm quen thuộc, đã được anh phát hiện và chụp trong cơn bão địa từ G5 diễn ra vào ngày 10/5.

Mục đích của Dury là bắt trọn khoảnh khắc diễn ra cơn mưa sao băng Perseid khi xung quanh là vòng cung SAR. Nghĩa là, việc cực quang phương Bắc như nhân tố thứ 3 nằm trong bức ảnh hoàn toàn là yếu tố may mắn và không thể tính toán từ trước.

"Tôi đã chờ hơn 3 tiếng rưỡi với 50 lần thử chụp phơi sáng. Cực quang xuất hiện là điều hoàn toàn nằm ngoài mong đợi", Dury chia sẻ.

3 hiện tượng thiên văn kỳ thú xuất hiện cùng trong một bức ảnh - 2

Trong bức ảnh, cực quang phương Bắc xuất hiện ở góc bên trái, với điểm nhấn là dải ánh sáng màu hồng rực rỡ. Cùng lúc đó ở góc đối diện là mưa sao băng Perseid đang bay vụt qua bầu trời.

Đây là các mảnh vỡ còn sót lại từ sao chổi Swift-Tuttle. Nó đã bay ngang qua Trái Đất vào năm 1992, nhưng đến nay, các mảnh vỡ còn lại vẫn bốc cháy thành những luồng sáng chói khi đi qua bầu khí quyển Trái Đất. Người ta gọi đó là hiện tượng mưa sao băng.

Theo NASA, mưa sao băng Perseid đạt cực đại vào các ngày 11-12 tháng 8 mỗi năm, vì vào lúc đó, Trái Đất di chuyển qua phần dày đặc nhất của các mảnh vỡ.

Chính giữa bức ảnh là vòng cung SAR, xuất hiện dưới dạng một dải ánh sáng đỏ thẫm, thường bị hiểu nhầm là cực quang.

Hiện tượng này xảy ra khi năng lượng nhiệt rò rỉ vào tầng khí quyển cận trên cực quang từ hệ thống dòng điện vành đai của Trái Đất. SAR phát sáng màu đỏ thẫm do oxy nguyên tử trong tầng trên khí quyển tương tác với các ion năng lượng.

Tuy vậy, hiện tượng vòng cung SAR thường rất khó để nhìn thấy do mắt người không nhạy cảm với ánh sáng nằm trong bước sóng này.

Để các nguồn sáng hiện ra rực rỡ như trên hình, Dury đã sử dụng một số thủ thuật xử lý hình ảnh, kết hợp với phơi sáng trên máy ảnh của mình.

Điều thú vị là Dury thậm chí cũng không nhận thấy sự xuất hiện của vòng cung SAR cho đến khi anh hoàn tất các công đoạn xử lý hình ảnh.

Theo www.space.com