1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

3 giả thuyết về vụ tàu lặn Titan mất tích ở Đại Tây Dương

Minh Khôi

(Dân trí) - Theo Chris Parry, cựu sĩ quan Hải quân Hoàng gia Anh, tàu lặn mất tích có thể do mất kết nối, nhưng không loại trừ khả năng đã xảy ra một tai nạn khi đi qua đống đổ nát của tàu Titanic.

3 giả thuyết về vụ tàu lặn Titan mất tích ở Đại Tây Dương - 1

Tàu lặn Titan chở 5 người mất tích ở biển Đại Tây Dương (Ảnh: OceanGate).

Theo hãng tin Reuters, tàu lặn có tên Titan, do OceanGate Expeditions vận hành, đã mất tích từ hôm Chủ nhật (18/6), khi chở khách đi khám phá xác tàu Titanic ở biển Đại Tây Dương.

Hiện, công tác cứu hộ gồm các tàu và máy bay của Mỹ, Canada đã được triển khai để tìm kiếm tung tích con tàu. Dẫu vậy, tình hình khá phức tạp vì chưa rõ tình trạng của tàu lặn.

Theo Chris Parry, cựu sĩ quan Hải quân Hoàng gia Anh, có 3 cách giải thích khả dĩ cho việc chiếc tàu lặn mất tích.

Mất kết nối với đất liền

3 giả thuyết về vụ tàu lặn Titan mất tích ở Đại Tây Dương - 2

Hy vọng khả quan nhất là tàu lặn Titan đã nổi lên mặt nước nhờ hệ thống cứu hộ khẩn cấp (Ảnh: OceanGate).

Giả thuyết đầu tiên, và cũng lạc quan nhất, là trường hợp tàu lặn vẫn hoạt động bình thường, và chỉ mất liên lạc với đất liền và tàu mẹ.

Theo OceanGate, tàu Titan được thiết kế để mang theo tối đa 5 người xuống độ sâu 4.000 mét, nhằm khảo sát, nghiên cứu và thu thập dữ liệu. Do vậy, tàu Titan có trọng lượng tương đối nhẹ và khả năng tự vận hành hiệu quả hơn bất kỳ tàu lặn sâu nào khác.

Tàu cũng được trang bị nhiều tính năng an toàn, bao gồm hệ thống Giám sát tình trạng thân tàu (RTM) theo thời gian thực, có khả năng phát hiện và cảnh báo sớm để người lái có đủ thời gian trở lại mặt nước an toàn. Do vậy, nếu không gặp sự cố quá lớn, tàu Titan nhiều khả năng đã nổi lên mặt nước.

Xảy ra trục trặc, nhưng vẫn tàu vẫn hoạt động

3 giả thuyết về vụ tàu lặn Titan mất tích ở Đại Tây Dương - 3

Bên trong tàu Titan (Ảnh: OceanGate).

Giả thuyết thứ 2 theo Chris Parry, là tàu Titan đã xảy ra một trục trặc nào đó về hệ thống, khiến nó không thể di chuyển, và cũng mất luôn tín hiệu. Theo OceanGate, ngay cả khi gặp sự cố, những người trên tàu vẫn có khả năng tự vận hành và sửa chữa, thay thế một số bộ phận ngay tại hiện trường.

Trong trường hợp xấu nhất, sự sống của những người trên tàu sẽ phụ thuộc vào lượng oxy còn sót lại, cho tới khi họ được giải cứu, hoặc tới khi họ tự giải quyết được vấn đề.

Thông tin từ nhà vận hành cho thấy tàu có lượng oxy khẩn cấp đủ cho 96 giờ, và khoảng 70 giờ nếu tính đến sáng 20/6 theo giờ Hà Nội.

Vướng vào đống đổ nát của tàu Titanic

3 giả thuyết về vụ tàu lặn Titan mất tích ở Đại Tây Dương - 4

Đống đổ nát của tàu Titanic có thể vô cùng nguy hiểm cho các hoạt động thăm quan (Ảnh: Getty).

Giả thuyết thứ 3, đó là đã xảy ra một tai nạn không mong muốn khi tàu lặn thăm quan đống đổ nát của con tàu Titanic. "Nếu bị vướng vào đống đổ nát, tàu thực sự có thể đã gặp sự cố thảm khốc", Chris Parry nêu quan điểm.

Năm 2010, các nhà thám hiểm đã tìm thấy một loại vi khuẩn bí ẩn trong những lớp bụi dày của xác tàu Titanic. Họ đặt tên loại vi khuẩn này là Halomonas titanicae, và cho rằng chúng có thể "ăn sạch" những phần còn lại của con tàu Titanic, hoặc biến đây trở thành khu vực rất nguy hiểm, với những chi tiết của tàu có thể đổ sập xuống bất kỳ lúc nào.

Cựu sĩ quan Hải quân Hoàng gia Anh cho rằng nếu tàu lặn gặp nạn ở gần con tàu Titanic, hoạt động cứu hộ sẽ rất khó khăn, do mặt đáy của vùng biển rất nhấp nhô, và bản thân tàu Titanic cũng nằm trong một rãnh sâu. Ngoài ra, những mảnh vỡ trong khu vực có thể gây cản trở cho việc dò ra vị trí và phát hiện tàu dựa trên sóng sonar.

John Mauger, chuẩn đô đốc Mỹ, người giám sát chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ, cũng thừa nhận vùng biển nơi tàu Titanic gặp nạn là một khu vực hẻo lánh, khiến cho việc tìm kiếm, cứu hộ là thực sự khó khăn.