2021 là năm khai mở ra kỷ nguyên du lịch vũ trụ của nhân loại
(Dân trí) - 2021 là một năm vô cùng đặc biệt với ngành Khoa học Vũ trụ, khi các tập đoàn lớn đã thực hiện thành công những chuyến bay tư nhân vào vũ trụ, rồi quay trở lại Trái Đất một cách an toàn.
2021 là một năm vô cùng đặc biệt với ngành Khoa học Vũ trụ, khi các tập đoàn lớn đã thực hiện thành công những chuyến bay tư nhân vào vũ trụ, rồi quay trở lại Trái Đất một cách an toàn.
Chưa bao giờ trong lịch sử loài người, toàn bộ quá trình để bạn ngồi lên cabin, rồi bay vút vào vũ trụ, sau đó trở về Trái Đất, lại dễ dàng đến thế. Điều đặc biệt là bất kỳ ai cũng có thể tham gia vào hoạt động này, cho dù hành khách có là một sinh viên đại học, hay một bà cụ đã 82 tuổi.
Tất nhiên, chi phí để thực hiện cho mỗi chuyến bay như thế vẫn lên tới cả tỉ USD và nằm ngoài khả năng chi trả của 99% trong số chúng ta. Thế nhưng, điều khác biệt là giờ đây, một tương lai vươn đến các vì sao đã nằm trong lòng bàn tay của chúng ta, chứ không chỉ còn là một "giấc mơ xa xôi".
Richard Branson mở ra kỷ nguyên du hành vũ trụ với phi cơ siêu thanh
Ngày 11/7/2021, tỷ phú Richard Branson - nhà sáng lập công ty hàng không vũ trụ Virgin Galactic - dù đã 70 tuổi, nhưng đã thực hiện xuất sắc chuyến bay vào vũ trụ trên phi cơ siêu thanh của riêng mình.
Mặc dù chuyến bay khá ngắn ngủi - với tổng thời gian của cả quá trình bay lên và rời khỏi không gian chỉ mất khoảng 15 phút - tương đương với chuyến bay vũ trụ đầu tiên của Alan Shepard tại Mỹ vào năm 1961, nhưng đây lại đánh dấu một cột mốc quan trọng, khi vị tỷ phú người Anh là người đầu tiên bay vào vũ trụ trên phương tiện do chính mình chế tạo.
Sứ mệnh mang tên Unity 22 đóng vai trò là chuyến thử nghiệm thứ 4 của phi cơ VSS Unity, mang theo 6 người lên không gian vũ trụ. Mặc dù vậy, cách thức vận hành của hệ thống này có đôi chút khác biệt so với mô hình "tên lửa - tàu vũ trụ" truyền thống.
Cụ thể, phi cơ VSS Unity của công ty sẽ được đưa lên độ cao khoảng 15.000 m không phải với tên lửa đẩy, mà bằng sự trợ giúp của "tàu mẹ" VMS Eve - một phi cơ của hãng WhiteKnightTwo. Sở dĩ phải dùng phương thức này, vì VSS Unity chỉ là một máy bay vũ trụ cận quỹ đạo - nghĩa là nó không đạt đủ tốc độ, cũng như nhiên liệu cần thiết để thoát khỏi lực hấp dẫn của Trái Đất.
Khi đạt độ cao lý tưởng, VSS Unity sẽ được tách ra khỏi tàu mẹ, và kích hoạt hệ thống tên lửa đẩy để tiếp tục bay với tốc độ gấp 3 lần âm thanh (khoảng 3.700 km/h) lên độ cao hơn 85 km.
Cũng từ chuyến bay này, khái niệm "bay tới rìa không gian" được hình thành. Trước đó, mặc dù không có ranh giới chính xác nơi nào không gian bắt đầu, nhưng khoa học đã vạch ra một giới hạn và nếu vượt qua nó, bạn sẽ chính thức lọt vào không gian. Ranh giới này được gọi là "đường Karman" (Karman line), cũng thường được ví là "rìa của không gian". Đây thực chất là một ranh giới tưởng tượng nằm cách Trái đất 100 km và được công nhận rộng rãi là ranh giới giữa bầu khí quyển của Trái Đất và không gian bên ngoài.
Mặc dù chưa chạm tới "đường Karman", song các phi hành đoàn trên VSS Unity đã có thể trải nghiệm cảm giác "bay lơ lửng", cũng như thỏa sức ngắm nhìn Trái Đất từ trên cao. Điều đáng tiếc là do những hạn chế của phi cơ, cũng như để đảm bảo an toàn, chuyến bay chỉ được kéo dài khoảng 15 phút trên không gian. Sau đó, họ được đưa quay trở lại Trái Đất.
Với việc bản chất là một phi cơ có thể hoạt động độc lập, quá trình trở lại Trái Đất rồi hạ cánh của VSS Unity không gặp quá nhiều khó khăn, khi nó hoàn toàn giống như một máy bay phản lực thông thường. Trên thực tế, khi so với một tàu vũ trụ, cách để nó trở lại mặt đất dễ dàng hơn rất nhiều.
Với việc toàn bộ chuyến bay được thực hiện thành công và không gặp bất kỳ vấn đề nào, Virgin Galactic đang nhắm đến 2 chuyến bay thử nghiệm có phi hành đoàn trước khi bắt đầu hoạt động thương mại đầy đủ vào năm 2022.
Jeff Bezos và chuyến bay đầu tiên đưa hành khách vào vũ trụ bằng tên lửa
Ngày 20/7/2021 - tức chỉ 9 ngày sau khi tỷ phú Branson lập kỷ lục với chuyến bay của mình, tỷ phú Jeff Bezos cùng 3 người trong phi hành đoàn cũng bắt đầu sứ mệnh chinh phục "rìa không gian" từ bãi phóng của công ty Blue Origin ở Texas (Mỹ).
Không phải máy bay siêu thanh. Lần này, chúng ta được chứng kiến mô hình gồm tên lửa đẩy và cabin chứa phi hành đoàn. Đây là phương thức "truyền thống" đã đưa con người đặt chân lên vũ trụ suốt 6 thập kỷ nay, kể từ ngày phi hành gia người Nga Yuri Gagarin thực hiện chuyến bay lịch sử.
Tên lửa đẩy New Shepard bay với vận tốc 3.540 km/giờ và mất 2 phút rưỡi để đạt độ cao 76 km. Tại đây, khoang chứa hành khách tách ra, tiếp tục đưa phi hành đoàn trải qua 4 phút trong tình trạng không trọng lực cho đến khi khoang đạt độ cao khoảng 106 km - tức vượt qua cả "đường Karman". Tuy nhiên, nếu chỉ đánh giá về sự chênh lệch độ cao giữa 2 sứ mệnh nêu trên, cảm nhận của các hành khách có lẽ là hoàn toàn tương đồng.
Theo Doug Cameron, một chuyên gia về hàng không vũ trụ và quốc phòng, không hề có bất kỳ sự khác biệt nào giữa khoảng cách 80km, hay 100km, và thậm chí là chạm tới Mặt Trăng. "Con người không thể sống được trong môi trường này. Về cơ bản, sau khi vượt qua 80 km tính từ Trái Đất, bạn đã là một nhà du hành vũ trụ", Doug cho biết.
Dẫu vậy, sứ mệnh lịch sử của Blue Origin cũng có một số ưu điểm, đó là không yêu cầu phi công trên khoang chứa, khi toàn bộ hành khách có thể chỉ bao gồm những người bình thường, hoàn toàn không qua huấn luyện.
Trên thực tế, Jeff Bezos đã hoàn tất chuyến bay của mình và lập thêm hàng loạt kỷ lục mới, khi những người đồng hành của ông là một bà lão 82 tuổi, cùng một cậu thanh niên mới chỉ 22 tuổi. Ngoài ra, mặc dù chậm hơn tỷ phú Branson về mặt thành tích, song phương thức "truyền thống" của Jeff Bezos và công ty vũ trụ Blue Origin áp dụng hứa hẹn sẽ còn đưa con người tới những vùng không gian xa hơn trong tương lai.
Đối với cá nhân Jeff Bezos, sứ mệnh trên còn vô cùng đặc biệt và đầy cảm xúc, khi ông từng là một cậu bé luôn ao ước được chinh phục vũ trụ trên chính con tàu mà mình chế tạo.
Cũng giống với tỷ phú Branson, Jeff Bezos đã mô tả hành trình lên vũ trụ là sứ mệnh hoàn hảo và đây là một bước đi nhỏ bé trong kế hoạch tổng thể xây dựng một con đường lên vũ trụ của nhân loại.
Elon Musk "chơi ngông", đưa hành khách du ngoạn suốt 3 ngày ngoài vũ trụ
Là một tỷ phú đầy tham vọng và luôn nổi tiếng với những màn "chơi ngông", Elon Musk chắc chắn không thể chịu thua hai người đồng nghiệp cùng vị trí của mình, cũng như xét đến khả năng nằm ngoài "cuộc đua" du ngoạn không gian.
Ngày 15/9/2021, tên lửa đẩy Falcon 9 của SpaceX bắt đầu sứ mệnh Inspiration4, đưa tàu vũ trụ Crew Dragon gồm 4 hành khách từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA ở Florida, Mỹ lên quỹ đạo không gian.
Trong vòng hơn 1 thập kỷ qua, SpaceX đã thực hiện rất nhiều lần phóng tên lửa và các chuyến bay lên không gian. Tuy nhiên, đây mới là chuyến du hành dân sự hoàn toàn đầu tiên lên không gian của công ty vũ trụ do Elon Musk sáng lập.
Trong vòng 3 giờ, con tàu đạt đến độ cao hơn 585 km, cao hơn cả Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Đây cũng là khoảng cách xa nhất mà con người từng bay khỏi Trái Đất kể từ khi chương trình Mặt trăng Apollo của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) kết thúc vào năm 1972. Cũng thay vì chỉ vài phút ít ỏi, sứ mệnh Inspiration4 của SpaceX khiến người ta không khỏi choáng váng khi đưa các hành khách bay... 15 vòng quanh Trái Đất.
Có thể nói rằng, tàu Crew Dragon của SpaceX đã thực sự trở thành một khách sạn "siêu sang", khi trong tổng thời gian bay kéo dài khoảng 3 ngày, đã cho phép các hành khách được lần đầu tiên trải nghiệm cảm giác ăn, ngủ, nghỉ, thậm chí là... đi vệ sinh ở ngoài vũ trụ. Họ cũng được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vũ trụ và Trái Đất khi nhìn từ không gian qua một mái vòm lăng kính với góc quan sát 360 độ.
Những gì SpaceX mang đến cho hành khách trong chuyến bay thậm chí đã vượt qua cả sự tưởng tượng điên rồ nhất của bất kỳ gã mê không gian nào có thể hình dung ra. Nhiều người ắt hẳn cũng đã nghĩ về một mô hình "khách sạn trên vũ trụ", nơi con người được đưa lên để tận hưởng những "tuần trang mật" ngắn ngày, rồi quay trở lại Trái Đất.
Tuy nhiên, trong khi Jeff Bezos cùng Blue Origin hướng đến xây dựng đường đến vũ trụ với chi phí hiệu quả, còn Virgin Galactic của Branson muốn thống trị ngành du lịch vũ trụ, thì Elon Musk lại nghĩ khác. Ông không nghĩ về những chuyến du ngoạn, mà đặt mục tiêu dài hạn của SpaceX là chinh phục sao Hỏa và đưa người lên đây sớm nhất có thể.
Khi được hỏi ông muốn chết theo cách thế nào, Elon Musk - vị tỷ phú giàu nhất thế giới chỉ nói đơn giản: "Tôi muốn được chết trên Sao Hỏa, chỉ là đừng chết vì lao đầu vào nó thôi." Chỉ riêng câu nói này cũng đủ cho thấy lòng quyết tâm và sự tin tưởng vào những gì ông có thể mang tới cho nhân loại.
***
Ba chuyến bay, được thực hiện bởi ba công ty khác nhau, sử dụng những cách thức khác nhau, nhưng đều chung mục đích là đưa hành khách lên vũ trụ. Đây điều mà ít ai dám mơ về, hay thậm chí là nhắc đến cho tới khi nó được hiện thực hóa.
Với những kỳ tích phi thường của nhân loại, có lẽ ngay từ bây giờ, không ít người đã nhắm mắt lại, thầm mơ được một lần ngồi trên con tàu vũ trụ, lao vút qua không gian, để rồi tận hưởng cảm giác chênh vênh ở nơi xa xôi ấy.
Điều này ắt hẳn là không hề xa vời, vì những chuyến bay lịch sử được cho là sẽ mở ra cho một giai đoạn mới cho kỷ nguyên thương mại vũ trụ, nơi bất kỳ ai cũng có thể bay vào không gian mà không chỉ dành riêng cho chính phủ hay những công việc nghiên cứu đặc thù.