1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

200 đại biểu trong và ngoài nước dự Hội nghị khoa học toàn quốc về Ngư học

Nguyễn Phê

(Dân trí) - Hội nghị thu hút hơn 200 đại biểu tham dự trực tuyến và trực tiếp ở 15 điểm cầu trong và ngoài nước liên quan đến Ngư học, bảo tồn sinh học các loại cá.

Ngày 25/12, Hội Ngư học Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Vinh tổ chức Hội nghị khoa học toàn quốc về Ngư học lần thứ 2.

Chủ trì hội nghị có PGS.TS. Nguyễn Xuân Huấn - nguyên Trưởng Khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội Ngư học Việt Nam; GS.TS Nguyễn Huy Bằng - Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh; ông Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An.

Đặc biệt, Hội nghị còn có hơn 200 đại biểu tham dự trực tuyến và trực tiếp ở 15 điểm cầu trong và ngoài nước, thuộc nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau liên quan đến Ngư học. Hội Ngư học Việt Nam được thành lập ngày 18/3/2018. 

Hội nghị nhằm gắn kết những nhà khoa học, nhà quản lý và những người hoạt động liên quan đến lĩnh vực Ngư học với mong muốn phát triển ngành Ngư học của Việt Nam lớn mạnh hơn, đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhiều tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý xoay quanh các vấn đề như bảo tồn đa dạng sinh học cá nước ngọt, cá rạn san hô quần đảo Trường Sa, dịch vụ hệ sinh thái từ nghiên cứu cá nội địa Việt Nam… 

200 đại biểu trong và ngoài nước dự Hội nghị khoa học toàn quốc về Ngư học - 1

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: N.D).

Bên cạnh đó, có một số tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học quốc tế đến từ Nhật Bản, Đài Loan… cũng đã đề cập nhiều vấn đề xoay quanh việc bảo tồn và phát triển các nguồn lợi thủy hải sản.

Việt Nam là quốc gia ven biển có trên 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế với đường bờ biển trải dài trên 3.200 km... với hệ thống sông ngòi dày đặc, tạo cho nước ta các hệ sinh thái biển, ven biển và nội địa hết sức đa dạng, phong phú, mang lại các giá trị đa dạng sinh học cao cũng như nguồn lợi thủy sản nói chung, nguồn lợi cá nói riêng.