14 lý do về tâm lý học giải thích tại sao người tốt lại làm điều xấu
(Dân trí) - Nguyên nhân gì đã khiến cho những người thành công, thông minh lại lún vào các hoạt động bất hợp pháp và hành vi phi đạo đức? Tiến sĩ Muel Kaptein công tác tại Đại học Quản lý Rotterdam đã giải quyết câu hỏi này trong một bài viết về lý do tại sao những người tốt lại có hành động xấu.
Những tội ác lớn thường leo thang từ các hành vi phạm tội nhỏ hơn hoặc sự sa ngã đó phù hợp với một loạt các lý do tâm lý.
Business Insider đã thu thập 14 nguyên nhân mà tiến sĩ Kaptein giải thích cho một số lý do tại sao những người tốt lại nói dối, gian lận và trộm cắp.
1. Hiệu ứng Galatea (năng lực của sự tự kỳ vọng)
Những người có ý thức mạnh mẽ về bản thân mình là người ít có khả năng làm những việc phi đạo đức. Ngược lại, khi người lao động ít có trách nhiệm cá nhân thì họ thấy bản thân mình bị định đoạt bởi môi trường hoặc bản thân sẽ thực hiện các lựa chọn có khả năng luồn lách các quy tắc.
2. Lý thyết về sự ràng buộc xã hội
Trong các tổ chức lớn, nhân viên có thể cảm thấy mình giống như các con số hoặc bánh răng trong một cỗ máy hơn là một cá thể.
Khi mọi người cảm thấy bị tách ra khỏi mục tiêu và sự lãnh đạo ở nơi làm việc, họ thường sẽ gian lận, ăn cắp, hoặc làm tổn hại cho công ty khi bị lờ đi.
3. Sức mạnh của tên gọi
Khi hối lộ được gọi thành “việc bôi trơn các bánh xe” hoặc gian lận kế toán trở thành “kỹ thuật tài chính”, các hành vi vô đạo đức có thể sẽ xuất hiện nhiều hơn.
Việc sử dụng cách gọi riêng và lối nói giảm nói tránh cho những hành vi đáng đặt câu hỏi này có thể giải thoát chúng khỏi ý nghĩa đạo đức, làm cho những hành vi đó có thể dễ dàng chấp nhận hơn.
4. Ảnh hưởng từ môi trường
Người lao động phản ánh chính môi trường làm việc của họ. Nếu sự tham nhũng - dù lớn hay nhỏ - là một phần của nơi làm việc, người lạo động sẽ trở nên mù quáng trước sự xuất hiện của nó và lợi ích mà nó có thể mang tới.
Một nghiên cứu mới có sự tham gia của nhiều quốc gia khác nhau phát hiện rằng, những nước nào càng thiếu minh bạch và nhiều tham nhũng, thì càng sẵn sàng chấp nhận hoặc đút hối lộ.
5. Hiệu quả đền bù
Đôi khi người ta trở nên có đạo đức và thẳng thắn hơn trong các giao dịch dài hạn, cảm giác như thể họ đang tạo dựng một số loại “tín dụng đạo đức” – thứ họ có thể sử dụng để biện minh cho các hành vi vô đạo đức trong tương lai.
Một thí nghiệm của Nina Mazar và Chen-Bo Zhong thấy rằng, những người mới mua các sản phẩm lâu dài thường có xu hướng nói dối và ăn cắp sau hơn so với những người mua các sản phẩm tiêu chuẩn.
6. Chấp nhận trộm vặt
Có hàng chục các cám dỗ nhỏ tại bất kỳ nơi làm việc nào. Các nhân viên thường mang đồ văn phòng phẩm, gói đường, giấy vệ sinh về nhà.
Những vụ trộm vặt nhỏ như vậy thường được bỏ qua. Vì vậy, sẽ có những vụ trộm lớn hơn một chút, chẳng hạn như nâng cao chi phí so với thực tế bỏ ra, hoặc nhận quà tặng kinh doanh trái phép. Sẽ không mất nhiều thời gian để mọi người bắt đầu gia tăng các giới hạn như vậy.
7. Lý thuyết về sự phản kháng
Các quy định được thiết kế để ngăn chặn các hành vi phi đạo đức, nhưng khi các quy tắc đó được cho rằng có tính bất công hoặc quá mức thì có thể tạo ra các hiệu ứng ngược lại.
Điều này được gọi là lý thuyết về sự phản kháng. Mọi người phẫn nộ với các mối đe dọa đối với sự tự do của mình, và họ thường biểu hiện sự phản kháng bằng cách coi thường một số quy định nhất định.
(Còn tiếp)
Anh Thư (Theo BI)