11 con sư tử chết ở Công viên Quốc gia Uganda do bị đầu độc

(Dân trí) - Các nhà chức trách động vật hoang dã ở Uganda đã xác nhận một bầy sư tử đã chết do nghi ngờ bị đầu độc tại một trong những công viên động vật hoang dã ở nước này.

11 con sư tử chết ở Công viên Quốc gia Uganda do bị đầu độc - 1

Theo thông báo của các nhân viên bảo tồn vào tuần trước, thi thể và xương của tám con sư tử con và ba con sư tử cái đã được tìm thấy ở Công viên Quốc gia Nữ hoàng Elizabeth, ngay bên ngoài làng chai Hamukungu. Những con sư tử này thuộc một bầy còn có ba con sư tử đực trưởng thành khác.

Quản lý truyền thông của Cơ quan Động vật hoang dã Uganda, Bashir Hangi xác nhận với tờ Daily Monitor: “Đúng là chúng tôi đã mất một bầy, ba con mẹ và tám con non, tại một làng chai tên Hamujungu. Chúng tôi đang nghi là do bị đầu độc. Thông tin mà chúng tôi có là chúng đã tấn công bò của ai đó nhưng chúng tôi vẫn chưa xác định được chính xác là ai”.


Bộ trưởng Bộ Du lịch, Động vật hoang dã và Cổ vật, Giáo sư Danh dự Ephraim Kamuntuđang - Quản lý trưởng của Công viên Quốc gia Nữ hoàng Elizabeth tóm tắt sự việc trước khi nói chuyện với truyền thông và báo chí tại làng chai Hamukungu nơi bầy sư tử bị đầu độc ( Ảnh từ Twitter của Tổ chức Động vật hoang dã Uganda)

Bộ trưởng Bộ Du lịch, Động vật hoang dã và Cổ vật, Giáo sư Danh dự Ephraim Kamuntuđang - Quản lý trưởng của Công viên Quốc gia Nữ hoàng Elizabeth tóm tắt sự việc trước khi nói chuyện với truyền thông và báo chí tại làng chai Hamukungu nơi bầy sư tử bị đầu độc ( Ảnh từ Twitter của Tổ chức Động vật hoang dã Uganda)

Jimmy Kisembo, một kiểm lâm và là người giám sát sư tử tại Cơ quan Động vật hoang dã Uganda phát biểu với National Geographic: “Tôi rất buồn. Mọi người ở hiện trường đều khóc. Chúng tôi thật sự bị sốc”.

Kisembo nói thêm rằng một vài thi thể đã bị linh cẩu ăn sạch, nhưng đội của anh đang tìm cách để bảo vệ những con sư tử còn lại.

Nằm ở phía tây Uganda cách Kampala khoảng năm giờ, công viên có diện tích 1.978 km2 và là nhà của hơn 100 con sư tử bao gồm cả những con sư tử biết trèo cây nổi tiếng.

Tờ tạp chí đưa tin rằng những thi thể còn lại đã được đưa tới một thị trấn gần đó để xét nghiệm một loại thuốc trừ sâu tên là Aldicarb. Còn được biết đến là Temik, loại thuốc diệt côn trùng cực độc này thường được dùng với những loại cây như cây bông, khoai tây, và lạc để diệt rệp vừng, nhện đỏ và các loài sâu bệnh khác.

Đây không phải là lần đầu tiên sư tử bị giết do đầu độc trong sự mâu thuẫn giữa người chăn nuôi gia súc và những con mèo lớn ăn thịt. Đầu năm nay, thi thể của sáu con sư tử đã được tìm thấy ở Tanzania gần thi thể một con bò trong một vụ nghi ngờ bị đầu độc. Vào năm 2015, ba con sư tử từ Đàn Marsh nổi tiếng của Kenya cũng chết do bị đầu độc trong vụ mà có người thuật lại là “sự giết chóc báo thù”.

Vấn đề này cũng trải dài khắp các lục địa. Tháng trước, một bức ảnh gây chấn động đã lan truyền trên Internet sau khi một ngôi làng ở Indonesia giết chết một con hổ Sumatran sau khi nó được báo là tiến vào lãnh thổ làng. Ở Mỹ, sự phá phách gia súc về mặt lịch sử là nguyên nhân ban đầu của 90% vụ giết sư tử núi trong vòng ba thập kỉ qua.


Một con hổ Sumantra bị người dân tại một ngôi làng ở Indonesia giết vào hồi tháng ba vừa qua - Ảnh trên Twitter của tờ The Independent.

Một con hổ Sumantra bị người dân tại một ngôi làng ở Indonesia giết vào hồi tháng ba vừa qua - Ảnh trên Twitter của tờ The Independent.

Đây là một vấn đề phức tạp và có rất nhiều cách giải quyết. Các nhà bảo tồn đề nghị tự nguyện di dời những người sống trong các khu vực bảo tồn khép kín hoặc thay đổi hoạt động chăn nuôi để giảm bớt xung đột.

Hiện tại, các nhà chức trách ở Uganda cho biết họ đang xem xét cẩn thận vụ việc nghi ngờ đầu độc và sẽ tiếp tục điều tra nguyên nhân cái chết của bầy sư tử để tăng cường bảo vệ những con còn sống.

Cố vấn của Tổ chức Bảo tồn Động vật hoang dã thuộc Bộ Du lịch, Động vật hoang dã và Cổ vật, Tiến sĩ Akankwasah Barirega cho hay: “Chúng tôi đã ra lệnh điều tra kĩ vụ việc. Chúng tôi sẽ sử dụng những bằng chứng thu thập được để khởi tố và nếu kết tội được sẽ triệt để trừng phạt hung thủ của tội ác tàn nhẫn này”.

Lộc Xuân (Theo IFLScience)