Lớp học của người thầy giáo đặc biệt: Trẻ dậy từ 4h40 để học bơi!

(Dân trí) - Bơi liên tục 200 đến 320 vòng bể với tổng chiều dài từ 10 đến 16 cây số trong 3 - 5 tiếng đồng hồ là con số mà người lớn cũng khó lòng làm được. Nhưng các học trò nhí tuổi từ 7 đến 15 trong đội bơi Mũ đỏ, hầu hết còn đang ở tuổi thiếu nhi đã làm được điều này.

Trong năm năm qua, hàng trăm học trò của thầy đã tiến quân vào giải bơi các cấp và giành nhiều giải thưởng... điều đặc biệt hơn nữa, lớp học của thầy không tuyển chọn học trò và hoàn toàn miễn phí. Thầy được các bạn nhỏ gọi bằng cái tên thân thương: chú Thủy Béo, thủ lĩnh đội bơi Mũ đỏ thần thánh.

Con dậy sớm để kịp đến lớp của thầy

Các con ở tuổi học tiểu học thường than phiền khó gọi con dậy sớm, thời gian biểu của con thường bắt đầu dạy từ 6h30 hoặc 7h để kịp đến lớp học. Nhưng với các học trò trong đội bơi Mũ đỏ của thầy Nguyễn Văn Thủy (thầy Thủy Béo) thì việc dậy sớm và được đến bể bơi là một niềm vui. Các cô bé cậu bé thường tự giác đi ngủ sớm và dậy rất sớm để được mẹ đưa đến lớp học bơi trước khi đến trường. Giờ học bơi của thầy bắt đầu và lúc 5h30 và kết thúc vào 7h sáng.

5h sáng, cậu bé Lâm 9 tuổi, trường Tiểu học Nam Trung Yên đã tự dậy vệ sinh cá nhân và giục mẹ đưa đến lớp học bơi. Theo con, chị Chính 42 tuổi cũng dậy sớm để đưa con đến lớp. Khi được hỏi Lâm cười hồn nhiên: Con chưa dậy sớm bằng chị Trúc Hương, chị hơn con có 2 tuổi mà chị còn dậy từ 4h40 để đến lớp, vì nhà chị xa hơn nhà của con. Để đến lớp học bơi của thầy, các buổi tối, cô bé Trúc Hương (trường liên cấp Ngôi sao) đã tự sắp xếp rất khoa học thời gian biểu của mình hoàn thành hết các bài tập trước 9h30 đi ngủ và sáng mai dậy sớm. Khi được hỏi phải đi ngủ sớm và dậy sớm như vậy, nhất là trong mùa đông, các con có cảm thấy sợ không, các cô bé cậu bé đều cười: Con không sợ, đến bể bơi rất ấm, con đã từng đến bể vào hôm rét 10 độ; con thích đến lớp học bơi của thầy Thủy. Đến lớp học của thầy rất vui ạ.


Một trong những bài tập của thầy.

Một trong những bài tập của thầy.

Chị Hòa (Mỹ Đình 1) còn khẳng định rằng có những hôm nhiệt độ xuống đến 9 độ con vẫn đòi đến lớp, mẹ chiều con cho con đến bể, con không những không ốm mà ngược lại, vì đi rất đều đặn nên sức khỏe của con được cải thiện đáng kể, các bệnh lặt vặt như sổ mũi viêm họng cũng bay biến. Chị đã rất tự hào khi truyền lại kinh nghiệm cho các bà mẹ trong đội bơi.

Lời cam kết kì lạ với cha mẹ

Lớp dạy bơi của Thầy Thủy béo chiêu sinh theo một cách kì lạ. Hàng năm, đến đầu hè, các anh chị lớn hơn 15 tuổi lưu luyến rời khỏi nhóm, thầy sẽ tuyển thêm các thành viên mới. Điều kiện để vào đội bơi vô cùng đơn giản nhưng thách thức và hấp dẫn các bậc phụ huynh: Tối thiểu phải đưa con đến lớp 3 buổi trong tuần; thời gian học từ 5h30 đến 7h hai buổi sáng/chiều trừ chủ nhật; Phụ huynh không được mắng con, không được ép con…

Đọc lời cam kết, nhiều phụ huynh hứng thú nhưng tò mò lạ lẫm. Bởi có mẹ đã từng trả thầy tiền triệu để thầy dạy một mình con bơi nhưng xuống nước con chỉ bám chặt lấy thầy không chịu ngụp xuống nước. Có bạn khóc khi phải ra bể… nhiều bạn xuống bể để chơi chứ không chịu bơi hoặc có bơi thì chỉ được vài vòng là con đòi ra khỏi bể… Vậy không giục con bơi, không ép con thậm chí là không mắng thì làm sao con có thể tự giác bơi… Ngay với điều kiện cam kết đưa con đến bể 3 buổi/ tuần cũng là một thách thức: nào là tắc đường, nào là giờ cơm nước, nào là lịch học và lượng bài tập của con phải hoàn thành… Nhưng với các bố mẹ đã có con vào đội lại rất ung dung khi truyền lại kinh nghiệm: cứ đưa con đi đều, mọi chuyện thầy sẽ làm được hết.

Người thầy “lắm chiêu”

Đến lớp học bơi của thầy, các bố mẹ không chỉ chuẩn bị cho con đồ bơi như kính bơi, phao bơi quần áo bơi mà còn cả tất tay, tất chân vì bài của thầy là cầm phao đập chân sải để rèn luyện sức bền; kẹp phao chân để tập sức bền của tay và tập nổi; sử dụng tất chân tất tay khi bơi để rèn luyện độ dẻo dai… mỗi lần sử dụng những “đạo cụ” ấy thầy đều có các hình thức khuyến khích: nhân đôi số vòng ở thành tích mà con đạt được.

Mỗi tháng, thầy đều đặt ra các cuộc thử sức cho các con phấn đấu: khi thì tổ chức các cuộc đấu bóng dưới nước cho các con thi đấu; khi thì tổ chức các cuộc thi tốc độ; thi sức bền, thi kĩ thuật… phần thưởng của cho các con là ba lô đựng đồ bơi, những chiếc túi đựng đồ ướt; kính bơi, phao kẹp chân… mỗi lần được thưởng, các con đều được vinh danh và được thầy tận tay trao thưởng. Hầu hết các học trò đều háo hức và trân trọng phần thưởng của thầy. Có cô bé, cậu bé còn quyết tâm giành cả bộ sưu tập phần thưởng. Để đạt được điều đó, không chỉ con kiên trì mà còn rất cần đến sự nỗ lực vượt qua chính mình.

Cậu bé Vũ (Nghĩa Tân) đã từng tâm sự với mẹ: “con thích chú ra bể hơn vì chí biết động viên con, chú không bao giờ đặt mục tiêu con phải bơi bao nhiêu vòng ngay từ đầu, chú cứ khuyến khích con bơi thêm một vòng nữa, một vòng nữa, lúc thì chú chạy theo bọn con, lúc thì chú tính giờ để bọn con cố vượt lên cho kịp giờ. Đi với mẹ, mẹ cứ ngồi một chỗ tính vòng, bơi buồn lắm...”


Các học trò đội bơi mũ đỏ cùng người thầy của mình trong lễ nhận giải.

Các học trò đội bơi mũ đỏ cùng người thầy của mình trong lễ nhận giải.

Cậu bé Lâm thì kể: “trước đây con sợ lắm, con không dám xuống nước, thầy tập cho con quen dần, bám dẫn vào thầy, thầy tập cho con ngụp, con thở dưới nước, con tập nổi, tập đạp chân, tập khoát tay và cuối cùng con đã bơi được 20 vòng bể”.

Ngoài ra, thầy còn thường xuyên bổ sung thêm các dụng cụ tập: vòng tập tay, chân vịt để tập bơi bướm, ống thở... chú mày mò lập trang theo dõi luyện tập online, nhật kí điện tử... để các con cố gắng; có lúc thầy thuê cả huấn luyện viên chuyên nghiệp để tập luyện cho các con... Những chuyến đi dã ngoại cùng chụp ảnh với máy ảnh chuyên nghiệp của thầy; những dịp cả đội bơi cùng tham gia giải chạy việt dã vừa để nâng cao sức khỏe tạo sự gắn kết giữa các thành viên, vừa giúp các con có ý thức hơn với cộng đồng.

Và trái ngọt từ người thầy tâm huyết

Không một lời mắng mỏ, không một lời giục giã hay ép buộc, thầy cứ dần kiên trì động viên khuyến khích các con. Với thầy và với đội mũ đỏ, khẩu hiệu được đưa ra như tôn chỉ là “ không có gì là không thể”; Vào độ bơi mũ đỏ, phần thưởng mà tất cả bọn trẻ con đều khao khát đó là hai chiếc mũ đỏ thần thánh: mũ đỏ trắng và mũ đỏ bởi đó là phần thưởng vượt qua chính mình cao quý nhất. Để đạt được nó con cần tối thiểu bơi liên tục 80 đến 100 vòng bể và từng ngày từng ngày kiên trì đến bể theo hướng dẫn của thầy. Người ngoài nhìn vào chắc không thể hiểu tại sao người đàn ông trong độ tuổi 40 ấy lại có thể tâm huyết và tận tình với bọn trẻ được đến như vậy. Đều đặn nắng cũng như mưa, cứ 5h30 sáng và 6h30 chiều thầy có mặt ở bể, lúc thì xuống bể tận tình hướng dẫn cho các con, lúc thì chạy trên bờ cổ vũ như một hoạt náo viên thực thụ. Đến với thầy, các con cũng như cuốn theo tinh thần nhiệt thành và đam mê và sự hết mình đầy tâm huyết.


Thầy trao mũ đỏ cho một thành viên trong đội.

Thầy trao mũ đỏ cho một thành viên trong đội.

Chị Chính (Nam Từ Liêm) tâm sự : “Em đã xác định 3 năm con mới biết bơi nhưng sau đúng một tháng 5 ngày gặp thầy, thầy đưa con ra chỗ bể sâu nhất và nói gì đó với con, con tự bơi một mạch hết 50m chiều dài của bể. Lúc ấy em đã khóc vì sung sướng”. Giọt nước mắt của sự chờ đợi, của niềm vui là niềm hạnh phúc quá lớn với chị. Bởi cậu bé Lâm đã từng bị chuẩn đoán là bại não thể nhẹ, chân phải và tay phải của cậu yếu khiến cậu đi lại và vận động rất khó khăn thường phải có sự trợ giúp. Vào đội được 3 năm, từ chỗ không dám xuống nước, từ chỗ bước lên bậc cần có mẹ dìu, nay cu cậu đã có thể tự đi những bước vững vàng. Từ chỗ không hợp tác với bất kì thầy giáo dạy bơi nào thì đến nay 20 vòng bể không còn là con số thách thức với cu cậu nữa.

Hay cậu bé Kiên, từ chỗ không xuống bể, không làm bất cứ thứ gì tự phục vụ mình, vào bể bơi học với thầy, không chỉ biết bơi, cu cậu đã có thể tự vệ sinh thân thể, tự sắp đồ và quần áo đi học, giúp mẹ làm việc nhà và tự đi đến lớp.

Không nhận một đồng tiền công, không màng đến những danh lợi đời thường, người thầy ấy vẫn lặng lẽ hàng ngày đến với các con truyền cho các con nguồn cảm những như vô tận ấy.

Chưa bao giờ Thầy ngồi tính lại trong năm năm qua hàng trăm học trò của mình đạt được bao nhiêu giải trong các cuộc thi, chỉ nhớ có những con mới gần 2 tháng học thầy như cô bé Trúc Hương đã đạt 2 giải nhất cấp quận, giảnh 3 huy chương vàng, 1 huy chương bạc; cậu bé Hồng Phúc giải nhì cấp thành phố, giải nhất quận môn bơi tự do... Vì theo thống kê chưa đầy đủ của một phụ huynh trong lớp, qua đợt thi bơi lội cấp quận và cấp thành phố hè 2018, đội bơi Mũ đỏ có 1 giải nhất, 2 giải nhì, 2 giải ba cấp thành phố; 5 giải nhất, 5 giải nhì và 8 giải ba cấp quận về bơi lội... Nhưng điều ấn tượng nhất với các con vẫn chính là niềm đam mê mà thầy đem lại. Cô bé Thu An khi còn là học sinh lớp 8 đã viết về thầy Thủy béo với tiêu đề “Người ấy sống mãi trong lòng tôi”. Cô viết: trong cuộc đời mỗi con người, ai chắc cũng từng trải qua thời đi học, ai cũng có cho mình một người thầy để kính trọng. Tôi cũng vậy, tôi luôn nhớ và biết ơn một người thầy, dù chưa bao giờ cầm phấn, không bao giờ có giáo án, và cũng chưa từng một lần đứng trên bục giảng nhưng đã dạy cho tôi bài học sinh tồn vô cùng bổ ích, truyền cho tôi niềm đam mê mãnh liệt đối với môn bơi lội. Đó chính là thầy Nguyễn Văn Thủy...” Cuối bài cô bé viết rằng, chú đã mang chữ phúc đến cho rất nhiều người. Tôi cũng muốn làm được như chú, muốn làm việc gì đó có ích cho xã hội, cũng có thể là truyền lại niềm đam mê bơi lội cho nhiều em nhỏ để thật nhiều người có được sự may mắn giống như tôi...”

Điều đẹp nhất trong nghề của thầy chính là tạo cho con khát vọng vượt lên chính mình như thế.

Vũ Thị Kim Hoa