Bản đồ cổ xác định đảo Hải Nam là địa phận cuối TQ
"Nếu nói Hoàng Sa của Trung Quốc có lẽ phải lôi cổ mấy viên quan nằm dưới mồ trên đảo Hải Nam sống dậy mà chém đầu!"
Năm 1895 và 1896, hai con tàu buôn La Bellona (của Đức) và Imeji Maru (của Nhật) bị đắm tại Hoàng Sa. Ngư dân đảo Hải Nam Trung Quốc hay tin kéo nhau đến "hôi của", họ dùng thuyền buồm vét sạch hàng hóa của tàu đắm, chở về Hải Nam bán lại. Công ty bảo hiểm của hai tàu này đã đến cầu cứu chính quyền đảo Hải Nam. Viên quan đứng đầu đảo Hải Nam nghe trình bày xong, giơ tay chỉ xuống đất, tuyên bố: "Đây là "thiên nhai hải giác" (chân trời góc bể) của thiên triều đại Thanh. Việc các ông bị cướp xảy ra không thuộc lãnh thổ đại Thanh, chúng tôi không biết, không quản được và cũng không chịu trách nhiệm!"
Chính quyền và giới học giả Trung Quốc: "Hoàng Sa là của An Nam"
Viên thuyền trưởng cho tàu chạy về Hải Phòng, trình bày với quan chức nơi đây. Quan địa phương nghe xong phái một tàu tuần tra ra Hoàng Sa truy tìm bọn cướp. Sau đó xác nhận cho viên thuyền trưởng Pháp để báo với chủ hàng và làm thủ tục với phía bảo hiểm.
Sau này, khi Trung Quốc chiếm đoạt Hoàng Sa, chính một học giả Trung Quốc đã dẫn lại những chuyện này và mỉa mai: "Nếu nói Hoàng Sa của Trung Quốc có lẽ phải lôi cổ mấy viên quan nằm dưới mồ trên đảo Hải Nam sống dậy mà chém đầu!"
Học giả đầu tiên của Trung Quốc xác nhận Hoàng Sa của Việt Nam là thiền sư Thích Đại Sán. Có lẽ nên tìm hiểu sâu một chút lai lịch của vị thiền sư đáng kính này. Theo tài liệu cổ của Trung Quốc, thiền sư có tên là Thạch Lâm, hiệu là Đại Sán Hán ông (1633 - 1704), tục gọi là Thạch Đầu Đà, một thiền sư sinh vào cuối đời nhà Minh và sống vào thời nhà Thanh. Ông có sở trường uyên thâm nhiều môn như học vấn, thi văn, thiên văn, địa dư, toán số. Trong lời tựa cho tập "Ly lục đường tập" của ông, nhà văn Mao Tế Khả viết: "Trượng nhân là bậc bác nhã khôi kỳ, càng sở trường về thi ca cho đến các môn như tinh tượng, lịch luật, diễn xạ, lý số, triện lệ, đơn thanh... Môn nào cũng siêu việt".
Tuy nhiên, sư không chịu ra làm quan mà đi tu từ thời còn trẻ, vân du khắp nơi.
Năm 1694, nhận lời mời của chúa Nguyễn Phúc Trăn (trị vì từ 1687 - 1691) và chúa Nguyễn Phúc Chu (kế nghiệp chúa Nguyễn Phúc Trăn, trị vì từ 1691 - 1725) ở Đàng Trong, nhà sư đến Đàng Trong để hoằng dương Phật pháp. Trong chuyến đi này nhà sư Thích Đại Sán đã ghi chép rất nhiều, đáng chú ý nhất là bộ "Hải ngoại kỷ sự" gồm 6 quyển. Nhiều hoạt động của triều đình nhà chúa Nguyễn và chủ quyền của vương triều nhà Nguyễn với Hoàng Sa - Trường Sa được ghi chép cẩn thận, tỷ mỉ.
Quyển 3 của nhà sư gần như hoàn toàn ghi nhận về những hoạt động của chúa Nguyễn với Vạn lý Trường Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa). Nhà sư mô tả như sau: "Có những cồn cát nằm thẳng bờ biển, chạy dài từ Đông Bắc qua Tây Nam, động cao dựng đứng như vách tường, bãi thấp cũng ngang mặt nước biển; mặt cát khô rắn như sắt, rủi thuyền chạm phải ắt tan tành. Bãi cát rộng cả trăm dặm, chiều dài thăm thẳm chẳng biết bao nhiêu mà kể, gọi là "Vạn lý Trường Sa", mù tít chẳng thấy cỏ cây, nhà cửa. Nếu thuyền bị trái gió, trái nước tấp vào (thì) không tan nát cũng không gạo không nước, trở thành ma đói mà thôi...".
Hiểm trở là vậy song chúa Nguyễn đã chủ động tổ chức khai thác, khẳng định chủ quyền đã từ lâu nên nhà sư tỏ ra khâm phục. Ông viết: "Thời Quốc vương trước (tức chúa Nguyễn Phúc Trăn) hàng năm sai thuyền đi đánh cá dọc bãi cát, lượm vàng bạc, khí cụ của thuyền lui tấp vào. Mùa thu nước dâng cạn , chảy rút về hướn Đông bị một con song đưa thuyền có thể trôi xa cả trăm dặm...".
Nguyên bản sách "Hải ngoại kỷ sự" hiện còn lưu giữ tại Đông Dương văn khố Nhật Bản và Trung ương đồ thư quán Trung Hòa. Tập "Thượng Hải tiến bộ thư cục tuyển" đã tuyển chọn "Hải ngoại kỷ sự" vào Bộ "Bút ký tiểu thuyết đại quan". Trong phần giới thiệu bộ bút ký có đoạn viết: "Sách này do Đại Sán Hán ông đời nhà Thanh soạn, tất cả 6 quyển. Khang Hy năm Giáp Tuất, đáp ứng lời mời của Việt Vương, ông đi qua Quảng Nam. Những nơi trải qua, sơn xuyên, hình thế, phong thổ, tập tục, ông đều ghi chép tất cả, xen lẫn những thơ văn rất tao nhã hứng thú. Ông chính là một ẩn giả lánh mình trong cửa thiền vậy...".
Đối chiếu với các tài liệu của các nhà hàng hải, nhà truyền giáo phương Tây cùng thời thì những ghi chép của nhà sư Thích Đại Sán khá giống nhau. Đây được giới nghiên cứu phương Đông xem là tư liệu cổ của Trung Quốc khẳng định Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam.
Chính sử và bản đồ cổ của Trung Quốc không hề có Hoàng Sa - Trường Sa
Sử sách cổ từ các thời nhà Tần nhà Hán đến tận trước năm 1909 không hề nhắc gì đến Hoàng Sa - Trường Sa. Thậm chí những chuyến đi của đô đốc Trịnh Hòa đến 30 nước để bang giao cũng không ghi chép gì về Hoàng Sa - Trường Sa.
So với các nước trên thế giới thì việc chép sử của các sử gia Trung Quốc cẩn thận vào bậc nhất. Một khe núi, nhánh sông hay một hòn đảo nhỏ cũng được ghi vào với các chú thích cẩn thận. Bởi vậy 24 bộ chính sử không hề có những cái tên qua các thời kỳ của Hoàng Sa và Trường Sa là một bằng chứng "không thể chối cãi" là chưa bao giờ Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc suốt 4.000 năm qua.
Thậm chí ngoài bộ "Hải ngoại kỷ sự" còn rất nhiều ghi chép khác trong thư tịch cổ của Trung Quốc khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Bởi vậy, những tuyên bố ngược ngạo rằng "là lãnh thổ của Trung Quốc không thể bàn cãi" của Trung Quốc đã trở thành trò cười mỉa mai cho giới học giả thế giới và cả học giả Trung Quốc bởi Trung Quốc nhắc đến câu "không thể bàn cãi" là khái niệm trống rỗng, đi ngược lại thực tế lịch sử cũng như pháp luật quốc tế.
Các bản đồ của Trung Quốc qua các thời kỳ đều xác định đảo Hải Nam là "thiên nhai, hải giác", tức địa phận cuối cùng của Trung Quốc!
Rõ ràng chính sử cũng như thư tịch, tài liệu của chính Trung Quốc đã được ghi chép khách quan, tôn trọng sự thật về Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam.
(Còn nữa)
Theo Duy Chiến
* Bài có sử dụng tư liệu nghiên cứu của tiến sĩ Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, người sáng lập và cố vấn Quỹ Văn hóa Giáo dục tại TP.HCM.