Sử dụng “mặt cười” cảnh báo an toàn giao thông khi lái xe

(Dân trí) - Nhằm góp phần thúc đẩy sự thay đổi hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe của thanh thiếu niên, Ủy Ban An toàn giao thông Quốc gia (ATGT) phối hợp với Qũy Phòng chống Thương vong châu Á đã phối hợp với và Bộ Giáo dục và Đào tạo truyền thông về hậu quả của việc sử dụng điện thoại gây mất tập trung khi lái xe.

Biểu tượng mặt cười và thông điệp về ATGT
Biểu tượng mặt cười và thông điệp về ATGT

Để thu hút sự chú ý của giới trẻ từ 15 đến 29 tuổi tại Việt Nam, biểu tượng cảm xúc “mặt cười” là nhân vật được hư cấu trong hai đoạn phim tuyên truyền của chiến dịch: “Cuộc gọi cuối cùng” và “Tin nhắn cuối cùng” để nhấn mạnh hai thông điệp chính: “Cuộc gọi đó có thể khiến bạn… không bao giờ về đến đích” và “Tin nhắn đó có thể khiến bạn… không bao giờ về đến đích”.

Các đoạn phim tuyên truyền này sẽ được phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia và trình chiếu ở 10 trường đại học thuộc dự án, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM và các trang mạng thông tin xã hội, đặc biệt là fanpage Hành trang an toàn. Đoạn phim tuyên truyền cũng được Ủy ban ATGT chỉ đạo và phổ biến tuyên truyền ở 63 tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó, 30 pa nô có thông điệp của chiến dịch cũng được lắp đặt tại 10 trường đại học thí điểm thuộc dự án như là một lời nhắc nhở sinh viên hàng ngày. Chiến dịch này là một trong những hợp phần chính thuộc dự án Hành trang an toàn do Quỹ UPS tài trợ.

“Bi kịch có thể xảy ra với bất cứ ai mất tập trung khi lái xe dù chỉ trong vòng một vài giây”, Ông Jerald Barnes, Giám Đốc Ngoại Giao thuộc Quỹ UPS chia sẻ. “Chiến dịch truyền thông của dự án Hành trang an toàn đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc lan tỏa thông điệp nhằm nâng cao nhận thức của thanh thiếu niên về hậu quả của việc xao nhãng và mất tập trung khi lái xe. Quỹ UPS rất vinh dự khi được đồng hành cùng Quỹ AIP và các cơ quan chính quyền Việt Nam nhằm mang lại sự an toàn cho tất cả mọi người.”

“Học sinh, sinh viên ở độ tuổi bắt đầu tham gia giao thông bẳng xe máy là một trong những đối tượng chính trong chiến dịch của chúng tôi”, Ông Dương Văn Bá, Phó Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết. “Dự án Hành trang an toàn đã và đang trang bị các em kiến thức và kỹ năng thiết yếu về lái xe máy an toàn để tự bảo vệ chính bản thân các em và người xung quanh”.

Việc sử dụng cảm xúc trái ngược của biểu tượng “mặt cười” dễ thương quen thuộc và biến chúng thành hình ảnh của một nhân vật có thể đe doạ tính mạng của những người mất tập trung khi đang lái xe để nhấn mạnh hậu quả của các hành vi không an toàn như gọi điện, nhắn tin và sử dụng Internet khi đang lái xe. Những hành vi này khiến người điều khiển phương tiện giao thông mất tập trung, làm chậm thời gian phản ứng của họ, cũng như làm ảnh hưởng đến việc đưa ra các quyết định phù hợp và an toàn.

Cảnh báo về việc sử dụng điện thoại khi lái xe
Cảnh báo về việc sử dụng điện thoại khi lái xe

Ông Uông Việt Dũng, Phó Chánh Văn phòng, Uỷ ban An toàn Giao thông quốc gia chia sẻ: “Chiến dịch được triển khai rất đúng thời điểm trong bối cảnh thực trạng sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông của người dân nói chung và của giới trẻ nói riêng đang trở nên phổ biến và trở thành một trong những hiểm họa đối với vấn đề đảm bảo an toàn giao thông, việc tuyên truyền hậu quả của việc sử dụng điện thoại khi đang lái xe là hết sức cần thiết và hữu ích".

“Nhiều người ở Việt Nam chưa nhận thức được sự nguy hiểm của việc sử dụng điện thoại di động khi lái xe”, Bà Mirjam Sidik, Tổng giám đốc điều hành của Quỹ AIP cho biết, ngoài ra, bà còn chia sẻ thêm: “Chiến dịch nằm trong khuôn khổ dự án Hành trang an toàn được phát triển để nâng cao nhận thức cho thanh thiếu niên và cộng đồng về hậu quả của hành vi mất tập trung khi lái xe”.

Theo khảo sát sơ bộ 927 sinh viên từ 7 trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, 79% sinh viên được khảo sát cho biết đã từng sử dụng điện thoại di động ít nhất một lần khi lái xe trong vòng 6 tháng gần đây. Điều này thể hiện một thực tế đáng lo ngại, khi Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo rằng một người nói chuyện điện thoại khi lái xe có nguy cơ bị tai nạn giao thông nhiều hơn gấp bốn lần so với một người không sử dụng điện thoại di động khi lái xe.

Nhật Minh